Chiếm đoạt, sử dụng thẻ CCCD của người khác có bị phạt hay không?

Chiếm đoạt, sử dụng thẻ CCCD của người khác có bị phạt không? Thế chấp CCCD bị xử phạt như thế nào? Tôi muốn cầm cố CCCD của người khác để lấy ít tiền sinh hoạt có được không?

Chiếm đoạt, sử dụng thẻ CCCD của người khác có bị phạt không?

Căn cứ Khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;

b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân;

c) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.

Ngoài ra, Khoản 6 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP còn quy định về biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.

Như vậy, người chiếm đoạt, sử dụng thẻ CCCD của người khác bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Người vi phạm còn bị buộc nộp lại thẻ CCCD đối với hành vi vi phạm.

Thế chấp CCCD bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ Khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;

c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP còn quy định về hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm a khoản 3 và các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.

Như vậy, người thế chấp CCCD sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo Điểm b Khoản 6 Điều 10 nghị định trên.

Trong trường hợp bạn cầm cố CCCD của người khác, bạn sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi chiếm đoạt, sử dụng thẻ CCCD của người khác. Bên cạnh đó, bạn sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cầm cố CCCD, bị tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào