Tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản do xử lý nợ hay không?
Đối với Tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản do xử lý nợ hay không?
Theo tôi được biết là các tổ chức tín dụng không có nghiệp vụ kinh doanh bất động sản. Tôi có chút thắc mắc là những bất động sản do ngân hàng xử lý nợ được thì tổ chức tín dụng đó có được kinh doanh không? Xin tư vấn giúp tôi.
Trả lời: Theo quy định tại Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì Tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây:
1. Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng;
2. Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng;
3. Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định tại Điều 140 của Luật này.
==> Theo quy định trên thì tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên đối với việc nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ thì trong thời hạn 03 năm tổ chức tín dụng đó phải bán, chuyển hoặc mua lại bất động sản để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản của tổ chức tín dụng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Ban kiểm soát đặc biệt có phải là 1 cơ quan trong cơ cấu tổ chức tín dụng không?
Cho mình hỏi: Ban kiểm soát đặc biệt có phải là một cơ quan trong cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng không?
Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 147 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và thành lập Ban kiểm soát đặc biệt.
Như vậy, Ban kiểm soát đặc biệt không phải 1 cơ quan trong cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng, mà đây là cơ quan được Ngân hàng nhà nước thành lập khi quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng đặc biệt.
Ban biên tập phản hồi đến bạn.
Tổ chức tín dụng khai trương chưa có cơ cấu tổ chức phù hợp phạt bao nhiêu?
Chào ban biên tập, theo quy định từ Nghị định 88 anh chị vui lòng cho hỏi: Sẽ phạt bao nhiêu tiền đối với hành vi khai trương hoạt động của tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng chưa có cơ cấu tổ chức phù hợp?
Trả lời: Tại Khoản 2 Điều 26 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:
2. Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:
...
c) Có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
...
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng có quy định:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo đủ các điều kiện quy định về điều kiện khai trương hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, căn cứ Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định:
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
Như vậy, khi tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài khai trương hoạt động nhưng chưa có cơ cấu tổ chức phù hợp thì bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu.
Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Lê Bảo Y