Tranh chấp hợp đồng góp vốn thuộc thẩm quyền của cơ quan nào giải quyết?
Tranh chấp hợp đồng góp vốn do cơ quan nào giải quyết?
Căn cứ Điều 30 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
Như vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết về tranh chấp hợp đồng góp vốn. Về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được xác định Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại.
Các bên có tự thỏa thuận về tranh chấp hợp đồng góp vốn được không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc tự thỏa thuận trong dân sự như sau:
Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Ngoài ra, Căn cứ Điều 5 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, các bên trong tranh chấp hợp đồng góp vốn có thể tự thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp hợp đồng một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Trong trường hợp trên, bạn có thể khởi kiện B ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi B cư trú để giải quyết. Bạn phải làm đơn khởi kiện, kèm theo những tài liệu khởi kiện cần thiết để tòa án chấp nhận thụ lý vụ việc.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh