Khởi kiện đòi lại 300 triệu bao lâu mới giải quyết? Khởi kiện đòi nợ giáo viên vay tiền không trả như thế nào?
Khởi kiện đòi lại 300 triệu thì bao lâu mới giải quyết?
Chào các anh chị luật sư, nhờ anh chị tư vấn giúp em với ạ. Em và bạn quen nhau 4 năm, bạn có mượn em 1 khoản tiền là 300 triệu đồng để trả nợ, bạn có ghi cho em giấy mượn tiền, đến hạn bạn không có khả năng trả, gia đình bạn không chịu trả lại số tiền bạn mượn. Vậy em có thể kiện bạn ra tòa về tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản được không? Nếu làm hồ sơ khởi kiện thì bao lâu sẽ xử lý? Và gia đình bạn có bị tịch thu thanh lý tài sản để trả tiền lại cho em không?
Trả lời:
Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác...
Trường hợp bên vay không trả nợ thì bên cho vay có quyền khởi kiện để đòi lại khoản tiền vay theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Về thời hạn xử lý đơn khởi kiện:
- Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo quy định.
Đối với vấn đề chiếm đoạt tài sản: Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì hành vi chiếm đoạt tài sản 300 triệu đồng nói trên chỉ cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi có một trong hai hành vi sau:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy, trường hợp người bạn vay 300 triệu đồng và không có khả năng trả nợ thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh nói trên. Bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nơi bị đơn cư trú để đòi lại khoản tiền vay, bên vay có trách nhiệm trả nợ nên không thể tịch thu thanh lý tài sản của gia đình người đó được.
Khởi kiện đòi nợ giáo viên vay tiền không trả
Hiện tại có người nợ mẹ em 400 triệu nhưng đến kì không trả, giấy tờ vay mượn mẹ em vẫn đang giữ. Bên vay nợ hiện đang là giáo viên 1 trường công lập trên địa bàn do dính vào đa cấp nên vỡ nợ và dường như không còn khả năng chi trả nữa. Em muốn hỏi là nếu bây giờ em đệ đơn lên toà thì liệu có cách nào đòi lại được số tiền đã cho vay không ạ? Ngoại trừ hình thức trả bằng lương vì mỗi tháng lương bà kia được 6 triệu, và theo em tìm hiểu thì số phần trăm trừ lương không được quá 30% thì không biết bao giờ mới trả hết được ạ. Liệu có hình thức hay cách nào có thể tăng số tiền trả hàng tháng lên nhiều hơn 30% không? Nhờ tư vấn giúp em.
Trả lời:
Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, bên vay tiền có trách nhiệm trả nợ đúng hạn, nếu đến hạn không trả gia đình bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Đối với việc trừ vào thu nhập của bên vay:
Điều 78 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định:
1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.
2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận của đương sự;
b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.
3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, về nguyên tắc bên vay có trách nhiệm trả đầy đủ số tiền vay cùng lãi suất (nếu có). Trường hợp đã có phán quyết của Tòa án nhưng không thực hiện trả nợ thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Việc trừ vào thu nhập của bên vay trong trường hợp này chỉ áp dụng khi có thỏa thuận hoặc Bản án, quyết định của Tòa án ấn định trừ vào thu nhập của bên vay. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Do đó, trường hợp của bạn muốn trừ nhiều hơn 30% thì phải được bên vay đồng ý.
Đã trả nợ xong trong giai đoạn khởi kiện thì có cần đến Tòa?
Tôi có vay tín dụng 10 triệu. Thời gian vừa rồi do thất nghiệp nên tôi tạm thời không đủ khả năng chi trả. Tôi ngưng thanh toán 3 tháng thì nhận đc đơn khởi kiện. Nhưng vừa rồi nghe tin thì tôi đã thanh toán đủ cả gốc và lãi. Vậy tôi có cần đến Tòa hay có cách nào giải quyết nhanh gọn lẹ vụ này không thưa Luật sư?
Trả lời:
Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan
Như vậy, theo quy định trên thì nếu bạn đã thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi, hoàn thành trách nhiệm của mình thì bạn được quyền yêu cầu người đi kiện rút đơn khởi kiện và tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn