Thế nào là Chấp hành viên? Hành nghề pháp luật trên 05 năm có được bổ nhiệm làm chấp hành viên?
Thế nào là Chấp hành viên?
Pháp luật quy định như thế nào là chấp hành viên? Căn cứ pháp lý cụ thể? Và chấp hành viên có mấy ngạch? Trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:
- Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật này. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.
Căn cứ Điều 2 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:
Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:
1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;
e) Quyết định của Trọng tài thương mại.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo điều 2 trên và, Chấp hành viên bao gồm 03 ngạch.
Hành nghề pháp luật trên 05 năm sẽ được bổ nhiệm làm chấp hành viên?
Hiện tôi đang làm việc tại VPCC, sau này tôi muốn định hướng trở thành chấp hành viên sơ cấp, vậy cho tôi hỏi nếu tôi hành nghề pháp luật từ 05 năm trở lên thì có đủ điều kiện để trở thành chấp hành viên sơ cấp hay không? Hay muốn vậy phải đảm bảo những tiêu chí nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 18 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:
- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.
- Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp:
+ Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;
+ Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;
+ Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.
Như vậy, để trở thành chấp hành viên sơ cấp phải đảm bảo đủ tất cả những tiêu chuẩn và điều kiện nêu trên, và việc công tác pháp luật 05 năm thì mới chỉ đáp ứng một trong những điều kiện đó.
Các trường hợp miễn nhiệm Chấp hành viên
Một người đủ tiêu chuẩn, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm là Chấp hành viên rồi. Xin cho hỏi trong các trường hợp cụ thể nào thì người đã được bổ nhiệm Chấp hành viên đó sẽ được hoặc bị miễn nhiệm theo quy định của pháp luật thưa các luật sư kính mến? Rất mong nhận được sự phản hồi trong thời gian sớm nhất. Xin cảm ơn rất nhiều!
Trả lời:
Theo quy định thì Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp. Công dân Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện về chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, kinh nghiệm công việc sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp xe xét bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định của pháp luật.
Trong một số trường hợp cụ thể thì người đã được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sẽ đương nhiên bị miễn nhiệm hoặc bị ộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên theo quy định.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì:
1. Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp sâu:
- Nghỉ hưu;
- Chuyển công tác đến cơ quan khác.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:
- Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;
- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.
Trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 64 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn