Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không? Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi?
Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?
Tôi có bạn là người bạn thuộc cộng đồng LGBT, hiện đang chung sống như vợ chồng với 1 người phụ nữ khác đã được 2 năm. Do không thể có con chung nên bạn tôi và “người yêu” dự định nhận con nuôi. Xin luật sư cho biết, theo quy định hiện hành, những cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
- Nam nữ kết hôn phải thỏa mãn các điều kiện: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Kết hôn với người đang có chồng, có vợ…
Đặc biệt, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Do đó, các cặp đôi đồng tính hiện nay vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một cuộc hôn nhân hợp pháp nên dù có sống chung với nhau nhưng không có mối quan hệ ràng buộc mang tính pháp lý về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cấp dưỡng và tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân.
Mặc dù không được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng hiện có khá nhiều cặp đôi đồng tính vẫn đang sống chung với nhau như vợ chồng, muốn nhận con nuôi để kết nối gia đình.
Theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi 2010, việc nhận con nuôi sẽ xác lập quan hệ cha, mẹ, con một cách lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người con, đảm bảo cho người con được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Như vậy căn cứ quy định của pháp luật thì một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Do cặp đôi đồng tính không được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một cặp vợ chồng hợp pháp nên không thỏa mãn điều kiện để cùng đứng ra nhận con nuôi. Tuy vậy, một trong hai người có thể làm thủ tục nhận con nuôi với tư cách là người độc thân và phải thỏa mãn các điều kiện nhận con nuôi theo quy định tại Luật nuôi con nuôi 2010.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi
Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Văn Toàn, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!
Văn Toàn (vantoan*****@gmail.com)
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi được quy định cụ thể như sau:
- Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
- Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Có được từ chối trợ cấp nuôi con nuôi sau khi ly hôn không?
Xin chào. Năm 2006 tôi và vợ cũ có nhận một bé trai làm con nuôi. Đứa bé này là con của 1 người cháu bên vợ. Nhưng năm ngoái chúng tôi đã ly hôn, tôi phải trợ cấp nuôi con là 3.500.000. Xin phép hỏi luật sư: tôi có thể từ chối nhận con nuôi hay khg hoặc từ chối trợ cấp nuôi con ? Và nếu có thì thủ tục như thế nào? Mong nhận được sự phản hồi của chuyên viên. Xin cảm ơn
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi 2010 thì căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định như sau:
Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.
Vậy nếu không thuộc một trong có căn cứ trên thì bạn không thể chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Khoản 1 Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi quy định như sau:
Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trược tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Đối với nội dung này là kể cả con ruột hay con chung vậy nên bạn cũng không thể từ chối trợ cấp nuôi con.
Do đó với trường hợp trên của bạn thì bạn không thể từ chối nhận con nuôi cũng như từ chối trợ cấp nuôi con.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi