Đối với ông bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu hay không?
Đối với ông bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu không?
Cháu tôi năm nay mới 15 tuổi, ba mẹ cháu đều qua đời do bệnh. Cháu đang sống cùng tôi (dì ruột). Tuy anh chị cháu đã đi làm và có phụ tôi nuôi em, nhưng tôi thấy hoàn cảnh các cháu còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, ông bà nội cháu rất giàu có nhưng thỉnh thoảng mới ghé thăm. Trường hợp này, cháu tôi có được gửi đơn yêu cầu ông bà nội cấp dưỡng cho đứa cháu nhỏ thường xuyên được không?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 113 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể như sau:
Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng khác như cha, mẹ, anh, chị.
Như vậy, ông, bà trong trường hợp này có nghĩa cụ cấp dưỡng cho cháu mình và người cháu có quyền gửi đơn yêu cầu ông bà cấp dưỡng.
Yêu cầu cấp dưỡng sau ly hôn có được không?
Tôi và chông tôi kết hôn cách đây 3 năm, chúng tôi có 1 con được 2 tuổi, cuộc sống gia đình không mấy là tốt đẹp, chồng tôi hay nhậu xỉn về quậy phá nên tôi đã khởi kiện ra tòa để quyết định ly hôn, cách đây 1 tuần tòa án đã ra bản án ly hôn giao con cho tôi nuôi và không cần cấp dưỡng. Cho tôi hỏi nếu sau này có khó khăn về tài chính thì tôi có quyền yêu cầu cấp dưỡng được không? Nếu có mà chồng tôi không chịu thì phải nộp đơn tại đâu để giải quyết? Nhờ giải đáp, cảm ơn.
Trả lời: Căn cứ các Điều 82 và Điều 119 Luật Hôn nhân gia đình 2014, thì xác định nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
+ Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
+ Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
=> Như vậy, trường hợp sau này bạn có khăn về tài chính trong quá trình nuôi con thì có quyền yêu cầu chồng bạn cấp dưỡng.
- Căn cứ Các Điều 28, Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì xác định thẩm quyền nhận đơn khởi kiện như sau:
+ Cấp dưỡng được xác định là một tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
+ Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình trong trường hợp này của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú.
Kết luận: Sau này bạn có khó khăn về tài chính trong việc nuôi con thì có quyền yêu cầu chồng bạn thực hiện cấp dưỡng, nếu chồng bạn không đồng ý thì bạn có quyền nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn cư trú để yêu cầu cấp dưỡng.
Thủ tục yêu cầu cha cấp dưỡng cho con sau ly hôn
Vợ tôi ly hôn được 2 năm, con gái vợ được 5 tuổi. Lúc ly hôn Tòa tuyên mỗi tháng ba đẻ cấp dưỡng cho cháu 3 triệu nhưng đó tới nay chưa được 1 đồng nào. Cho tôi hỏi bây giờ chúng tôi muốn buộc anh ta cấp dưỡng thì phải làm thế nào. Xin cảm ơn luật sư.
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:
"2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con."
Theo đó, nếu một bên vợ hoặc chồng không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặ con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Tại Khoản 2 Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này."
Trường hợp chồng cũ của bạn sau khi ly hôn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bạn thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân nơi chồng cũ của bạn đang cư trú để được giải quyết.
Hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn bao gồm :
- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân;
- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;
- Quyết định/ Bản án ly hôn;
- Chứng cứ chứng minh thu nhập của người chồng;
- Bản sao có chứng thực giấy sinh của con.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Lê Bảo Y