Điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được quy định như thế nào?
Điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được quy định thế nào?
Điều 29 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 có quy định điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:
1. Người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K và một số địa danh thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị nhiễm chất độc hoá học dẫn đến một trong các trường hợp sau thì được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”:
a) Mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21 % trở lên;
b) Vô sinh;
c) Sinh con dị dạng, dị tật.
2. Chính phủ quy định chi tiết địa danh thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và Danh mục bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học quy định tại Điều này.
Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Điều 30 Pháp lệnh cũng quy định chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:
1. Trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:
a) Người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này thì được hưởng trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể theo các mức từ 21% đến 40%, từ 41% đến 60%, từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên;
b) Người thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này mà không mắc bệnh hoặc mắc bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% thì được hưởng trợ cấp hằng tháng như người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%; trường hợp mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể theo mức từ 61% đến 80% hoặc từ 81% trở lên quy định tại điểm a khoản này;
c) Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học được khám giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với tỷ lệ tổn thương cơ thể;
d) Bệnh binh thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được hưởng trợ cấp hằng tháng đối với bệnh binh và trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%;
đ) Bệnh binh mắc thêm bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này do nhiễm chất độc hóa học và thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh này được chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản này.
2. Phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81 % trở lên.
3. Trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.
4. Bảo hiểm y tế.
5. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
6. Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.
Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại Điều 31 Pháp lệnh này:
1. Trợ cấp hằng tháng đối với con đẻ bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
2. Bảo hiểm y tế đối với những người sau đây:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Con đẻ quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.
3. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất như sau:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ sống cô đơn, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng.
4. Chế độ ưu đãi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này đối với con đẻ quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Chế độ ưu đãi quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
6. Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng hiện hưởng khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con đẻ đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết.
7. Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng trong trường hợp sau đây:
a) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết;
b) Con đẻ quy định tại khoản 1 Điều này chết.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy