Không đăng ký kết hôn có thể làm khai sinh cho con được không? Sống chung như vợ chồng có nghĩa vụ trả nợ thay hay không?
Không đăng ký kết hôn có thể làm khai sinh cho con được không?
Vợ chồng tôi chỉ làm đám hỏi, đám cưới rồi chung sống với nhau, không đăng ký kết hôn. Xin hỏi, khi sinh con thì chúng tôi có thể làm khai sinh cho con không? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nam nữ không đăng ký kết hôn khi đủ điều kiện đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ đối với con cái thì như khi có đăng ký kết hôn.
Theo đó, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Nếu không có thể bị phạt.
Nếu cha, mẹ không thể đi đăng ký khai sinh cho con được thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Nếu cha mẹ không đăng ký kết hôn thì con vẫn được làm giấy khai sinh. Nhưng lúc này, các cán bộ hộ tịch sẽ đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp trẻ chưa xác định được cha hoặc mẹ.
Bởi theo Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nếu cha mẹ đã đăng ký hết hôn thì phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn. Trong trường hợp chưa đăng ký kết hôn thì phần tên mẹ hoặc cha sẽ bị bỏ trống nếu người đi đăng ký là người còn lại.
Do đó, khi muốn giấy khai sinh của con có đầy đủ thông tin về cha, mẹ thì phải làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật. Khi đó, cán bộ hộ tịch có thể kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Sống chung như vợ chồng có nghĩa vụ trả nợ thay hay không?
Dạ, em và người yêu em có chuyển về sống chung được 1 năm rồi, chưa làm đăng ký kết hôn, nay bồ của em làm ăn thua lỗ nợ người ta hơn 100 triệu. Trước đó em cũng không cho bồ em vay mượn. Nên em muốn hỏi, trường hợp đó em có phải chung tiền vào trả nợ không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đinh 2014 quy định như sau:
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Căn cứ thêm tại Khoản 1 Điều 14 luật điều chỉnh trên có quy định:
1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
Như vậy, theo quy định trên thì do bạn và người yêu của bạn không làm thủ tục đăng ký kết hôn nên không được xem là vợ chồng hợp pháp. Đồng nghĩa với việc không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chống, bên cạnh đó với khoản nợ này bạn không có nghĩa vụ trả thay.
Không đăng ký kết hôn có được ly hôn không?
Chị tôi tên Ly vừa đám cưới anh Bình. Họ chung sống với nhau như vợ chồng tuy nhiên chưa đăng ký kết hôn. Bảy tháng chung sống với nhau trôi qua, chị Ly nhận thấy người đàn ông chung sống với mình có tính vũ phu và muốn đơn phương ly hôn. Vậy, việc đơn phương ly hôn khi chưa đăng ký kết hôn có được pháp luật ghi nhận? Nếu có thì thủ tục thực hiện như thế nào? Chân thành cảm ơn Ban biên tập.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.
Như vậy, đối với trường hợp của chị bạn, hậu quả pháp lý của việc ly hôn sẽ được giải quyết theo trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
…”
Về việc thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, tại Khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Ngoài ra, tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình”.
Như vậy, trong trường hợp chị bạn có yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết và tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân của chị bạn. Nếu chị bạn có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì Tòa án sẽ giải quyết như sau:
- Quyền, nghĩa vụ giữa bố, mẹ bạn và bạn được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con (Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của anh, chị bạn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập (Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi