Người theo đạo Thiên chúa có được ly hôn không? Chồng đi tù có thuộc trường hợp bị cấm ly hôn không?
Vợ, chồng đang ở nước ngoài thì có được ly hôn không?
Vợ, chồng đang đi xuất khẩu lao động thì có được ly hôn không? Rất mong sớm nhận phản hồi, bởi tôi đang vướng mắc nêu trên.
Trả lời:
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có quy định:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Còn trường hợp vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài mà không thuộc trường hợp nêu trên thì vẫn được gửi đơn để giải quyết ly hôn nếu vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài.
Chồng đi tù có thuộc trường hợp bị cấm ly hôn không?
Dạ, cho tôi hỏi, chồng tôi hiện đang ở tù thì tôi có được ly hôn không? Hay đối với trường hợp này thì sẽ không được tiến hành ly hôn đơn phương?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014quy định ly hôn theo yêu cầu một bên như sau:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo đó, pháp luật không đặt ra vấn đề chồng đi tù thì không thuộc trường hợp bị cấm ly hôn. Do vậy, nếu một người đi tù thì người còn lại vẫn có quyền đơn phương ly hôn khi rơi vào trường hợp nêu trên như có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Người theo đạo Thiên chúa có được ly hôn không?
Chào Luật sư. Cả 2 vợ chồng tôi đều theo Thiên chúa giáo, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bây giờ cả 2 vợ chồng đều đồng thuận ly hôn. Chúng tôi có được ly hôn được không vì trước khi hai vợ chồng cưới nhau thì được học giáo lý hôn nhân, Cha dạy người theo đạo thì không được ly hôn. Không biết quy định này là như thế này
Trả lời:
Theo quan điểm giáo lý hôn nhân của Thiên chúa giáo thì hôn nhân là vĩnh cửu, không chấp nhận việc ly hôn giữa vợ và chồng.
Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
- Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Ngoài ra, tại Điểm e Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi:
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn.
=> Theo các quy định nêu trên, mọi cá nhân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng với nhau, đều có quyền được ly hôn. Hành vi cản trở ly hôn là hành vi bị nghiêm cấm.
Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về thuận tình ly hôn như sau:
- Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Như vậy, hai vợ chồng bạn theo đạo thiên chúa vẫn được giải quyết thuận tình ly hôn nếu đáp ứng điều kiện sau:
- Cả hai bên đã thật sự tự nguyện ly hôn;
- Đã thỏa thuận được với nhau về vấn đề chia tài sản và người nuôi con;
- Sự thỏa thuận này trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi