Kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy tắc xuất xứ hàng hóa quy định như thế nào?
Kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy tắc xuất xứ hàng hóa
Căn cứ Điều 24 Thông tư 05/2022/TT-BTC quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa như sau:
1. Để xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo các hình thức sau:
a) Gửi văn bản yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin.
b) Gửi văn bản yêu cầu nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin.
c) Gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu cung cấp thêm thông tin.
d) Kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu để quan sát cơ sở sản xuất và quy trình sản xuất hàng hóa và kiểm tra chứng từ liên quan đến xuất xứ hàng hóa bao gồm các chứng từ kế toán. Việc kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất chỉ được thực hiện sau khi tiến hành xác minh theo quy định tại điểm c khoản này.
d) Hình thức khác theo thỏa thuận giữa các nước thành viên.
2. Nước thành viên nhập khẩu kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa như sau:
a) Trường hợp kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, nước thành viên nhập khẩu gửi thư đề nghị kèm theo bản sao chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và nêu lý do xác minh đến nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất và cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.
b) Trường hợp kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, nước thành viên nhập khẩu gửi thư đề nghị kèm theo bản sao chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và nêu lý do xác minh đến cơ quan, tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.
c) Trường hợp kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, nước thành viên nhập khẩu yêu cầu nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất và cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu gửi thư đồng ý về việc kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất và nêu rõ lịch trình làm việc dự kiến, địa điểm kiểm tra và mục đích kiểm tra.
3. Theo yêu cầu của nước thành viên nhập khẩu, việc kiểm tra cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có thể được thực hiện với sự đồng ý và hỗ trợ của nước thành viên xuất khẩu dựa trên thỏa thuận giữa nước thành viên nhập khẩu và nước thành viên xuất khẩu.
4. Trường hợp kiểm tra xác minh quy định tại điểm a đến điểm d khoản 1 Điều này, nước thành viên nhập khẩu:
a) Cho phép nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc cơ quan, tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu phản hồi từ 30 ngày đến 90 ngày kể từ ngày nhận được thư đề nghị xác minh theo quy định từ điểm a đến điểm c khoản 1 Điều này.
b) Cho phép nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thư đề nghị xác minh nêu tại điểm d khoản 1 Điều này.
c) Đưa ra quyết định từ 90 ngày đến 180 ngày kể từ ngày nhận được thông tin cần thiết để đưa ra quyết định đó.
5. Theo quy định tại khoản 1 Điều này, nước thành viên nhập khẩu phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả kiểm tra, xác minh kèm theo lý do đến nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, hoặc nhà sản xuất hoặc cơ quan, tổ chức cấp C/O hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu.
6. Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả xác minh. Nước thành viên nhập khẩu cho phép thông quan hàng hóa nhưng có thể yêu cầu việc thông quan cần tuân thủ theo quy định trong nước.
Xử lý khác biệt hoặc sai sót nhỏ theo quy tắc xuất xứ hàng hóa?
Bên cạnh đó, tại Điều 29 Thông tư này quy định về xử lý khác biệt hoặc sai sót nhỏ như sau:
Trường hợp không có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa, việc phát hiện những khác biệt nhỏ như lỗi in ấn giữa thông tin trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thông tin trên các chứng từ nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu để làm thủ tục nhập khẩu không làm mất hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nếu những khác biệt này vẫn phù hợp với hàng hóa nhập khẩu trên thực tế.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi