Thời hạn hợp đồng lao động đối với người nước ngoài làm việc tại VN

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người nước ngoài chưa được xóa án tích có được làm việc tại Việt Nam? Lao động nước ngoài không có giấy phép, trách nhiệm thuộc về ai? Thời hạn hợp đồng lao động đối với người nước ngoài làm việc tại VN là bao lâu?

Thời hạn hợp đồng lao động đối với người nước ngoài làm việc tại VN

Xin hỏi, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 có quy định thời hạn hợp đồng lao động đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hay không?

Trả lời: Theo quy định khoản 2 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thời hạn hợp đồng lao động đối với người nước ngoài làm việc tại VN, như sau:

Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Đây là điều khoản mới được quy định trực tiếp trong Bộ luật Lao động 2019 về thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Người nước ngoài chưa được xóa án tích có được làm việc tại Việt Nam?

Theo quy định pháp luật lao động hiện hành thì người nước ngoài “không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài” là một trong những điều kiện bắt buộc để người nước ngoài có thể làm việc ở Việt Nam. Không biết theo quy định mới thì điều kiện này có gì thay đổi không? Mong nhận được phản hồi. Xin cảm ơn.

Trả lời: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 có quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.

Như vậy, so với Bộ luật Lao động cũ thì Bộ luật Lao động 2019 đã thay thế trường hợp “không phải là người phạm tội” thành trường hợp “không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích”.

Lao động nước ngoài không có giấy phép, trách nhiệm thuộc về ai?

Xin được hỏi luật sư trong trường hợp doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài thuộc diện xin cấp phép lao động nhưng không có giấy phép thì ai chịu trách nhiệm khi bị phát hiện xử lý? Người lao động đó hay chủ của người đó?

Trả lời: Căn cứ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 thì một trong những trường hợp để người nước ngoài được vào làm việc tại Việt Nam là phải có giấy phép lao động (trừ trường hợp không thuộc diện xin cấp giấy phép).

Đồng thời, Khoản 2, Khoản 3 Điều 153 Bộ luật này xác định:

- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng không có giấy phép thì cả người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đó đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trân trọng.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào