Nội dung báo cáo kết quả kiểm kê đất đai? Khi nào phải đăng ký biến động đất đai?
Nội dung báo cáo kết quả kiểm kê đất đai?
Xin chào, tôi đang công tác tại UBND cấp xã, địa phương tôi hằng năm đều thực hiện công tác kiểm kê đất đai. Do mới về nhận nhiệm vụ nên tôi còn chưa hiểu rõ về quy trình về nội dung các báo cáo. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì báo cáo kết quả kiểm kê đất đai gồm những nội dung nào?
Trả lời: Tại Khoản 18 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: "Kiểm kê đất đai là việc Nhà nước tổ chức điều tra, tổng hợp, đánh giá trên hồ sơ địa chính và trên thực địa về hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê và tình hình biến động đất đai giữa hai lần kiểm kê."
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT thì nội dung Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai bao gồm:
- Tình hình tổ chức thực hiện; phương pháp điều tra, thu thập số liệu kiểm kê đất đai, nguồn gốc số liệu thu thập tại cấp xã và đánh giá độ tin cậy của số liệu thu thập và số liệu tổng hợp; các thông tin khác có liên quan đến số liệu; nguồn tài liệu và phương pháp lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất theo các chỉ tiêu kiểm kê; đánh giá tình hình biến động và phân tích nguyên nhân biến động về sử dụng đất giữa năm kiểm kê với số liệu của 02 kỳ kiểm kê gần nhất; đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ kiểm kê đất đai; tình hình giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện; tình hình và nguyên nhân chuyển mục đích sử dụng đất khác với hồ sơ địa chính; tình hình chuyển đổi cơ cấu đất trồng lúa; tình hình đất ngập nước; tình hình tranh chấp, giải quyết tranh chấp địa giới hành chính thực hiện trong kỳ kiểm kê (nếu có);
- Đề xuất, kiến nghị biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng đất đai.
Trên đây là quy định về nội dung Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai.
Khi nào phải đăng ký biến động đất đai?
Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai. Vậy cho tôi hỏi, khi nào thì người sử dụng đất phải đăng ký biến động đất đai?
Trả lời: Theo quy định pháp luật hiện hành thì đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
Trong đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì đăng ký biến động đất được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
- Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
- Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
- Chuyển mục đích sử dụng đất;
- Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
- Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
- Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
- Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
- Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
- Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Khi đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai được quy định như thế nào?
Tôi tên là Công Minh, hiện đang là sinh viên. Tôi đang có thắc mắc và muốn nhờ mọi người giải đáp. Cụ thể, cho tôi hỏi: Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!
Trả lời: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Theo đó, quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai được quy định tại Điều 13 Luật Đất đai 2013 với nội dung như sau:
- Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
- Quyết định mục đích sử dụng đất.
- Quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất.
- Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất.
- Quyết định giá đất.
- Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.
- Quyết định chính sách tài chính về đất đai.
- Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Trên đây là nội dung trả lời về quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Luật Đất đai 2013 .
Trân trọng!
Lê Bảo Y