Tiêu chuẩn chương trình giáo dục mầm non như thế nào?
Tiêu chuẩn chương trình giáo dục mầm non là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 49/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn chương trình giáo dục mầm non như sau:
1. Quan điểm biên soạn chương trình giáo dục mầm non thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
2. Mục tiêu chương trình giáo dục mầm non phải đảm bảo phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, ngôn ngữ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
3. Nội dung chương trình giáo dục mầm non vừa đảm bảo tính cốt lõi, áp dụng đối với mọi trẻ em, đồng thời tạo cơ hội để trẻ em được tiếp cận với những nội dung giáo dục đáp ứng sự đa dạng của nhu cầu giáo dục, phù hợp với điều kiện và sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, của nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị xã hội; bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
4. Phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ở nhà trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tích cực hoạt động, vui chơi, giao lưu cảm xúc với người lớn; kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý; ở mẫu giáo phải tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em,
5. Yêu cầu cần đạt của trẻ em cuối mỗi độ tuổi phải cụ thể hóa được mục tiêu chương trình, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
6. Thời lượng của chương trình giáo dục mầm non được thiết kế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
7. Chương trình giáo dục mầm non phải có định hướng về các hoạt động giáo dục, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ em.
8. Chương trình giáo dục mầm non phải có yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình của cơ sở giáo dục mầm non, gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đồ chơi học liệu, đồ dùng, tài liệu; phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình và cộng đồng.
9. Có quy định về phát triển chương trình giáo dục nhà trường gắn với văn hóa, điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục mầm non và địa phương.
10. Các thuật ngữ chính (nếu có) được giải thích; thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm quy định hiện hành.
Nguyên tắc biên soạn chương trình giáo dục mầm non?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 49/2020/TT-BGDĐT quy định về nguyên tắc biên soạn chương trình giáo dục mầm non như sau:
1. Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; đảm bảo tính đồng bộ giữa việc ban hành chương trình và các quy định liên quan.
2. Đảm bảo tính chính xác khoa học; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; thống nhất thực hiện trong toàn quốc, đồng thời đảm bảo được phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục mầm non, địa phương và vùng miền.
3. Đảm bảo tính đồng tâm phát triển, liên thông giữa các lứa tuổi, các lĩnh vực phát triển và liên thông với chương trình giáo dục phổ thông.
4. Kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành, đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Quy trình biên soạn chương trình giáo dục mầm non như thế nào?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 49/2020/TT-BGDĐT quy định về quy trình biên soạn chương trình giáo dục mầm non như sau:
1. Đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành.
2. Định hướng biên soạn chương trình giáo dục mầm non.
3. Biên soạn dự thảo chương trình giáo dục mầm non.
4. Thử nghiệm và điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non.
5. Thẩm định và ban hành chương trình giáo dục mầm non.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh