Thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới quy định thế nào?
Căn cứ theo Tiểu mục 5 Mục III Nghị quyết 23/NQ-CP năm 2022 quy định về việc thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới như sau:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và người công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
b) Bộ Y tế
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương khu vực biên giới xây dựng, hoàn thiện mô hình kết hợp quân dân y ở khu vực biên giới phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, trình độ nhận thức và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực.
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở khu vực biên giới gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nếp sống vệ sinh, khoa học, dân số và phát triển, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về y tế để kịp thời ứng phó với thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp.
c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường nguồn lực đầu tư cho các vùng biên giới nằm trong quy hoạch các khu kinh tế quốc phòng, tránh chồng chéo, phân tán.
d) Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu các biện pháp, chương trình, sáng kiến hợp tác khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm ổn định, cải thiện đời sống người dân, khuyến khích người dân gắn bó với vùng biên giới, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh tại khu vực.
đ) Bộ Công Thương thường xuyên nắm bắt tình hình, theo dõi chặt chẽ các hoạt động và chính sách kinh tế, thương mại biên giới để đánh giá tác động, có giải pháp ứng phó phù hợp nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
e) Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ dịch vụ viễn thông băng rộng, phủ sóng điện thoại di động và cố định cho vùng biên giới, gắn phát triển dịch vụ viễn thông với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tuyên truyền phổ biến kiến thức để đổi mới phương thức sản xuất, canh tác nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân.
g) Bộ Công an
- Chỉ đạo lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm khu vực biên giới theo quy định của pháp luật, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ hiệu quả thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực này. Tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, xây dựng nhà bán trú cho học sinh tại địa bàn biên giới, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự.
- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường hợp tác quốc tế với các nước láng giềng trong phòng chống tội phạm, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch bệnh; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.
h) Các địa phương có biên giới
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm phát huy các lợi thế sẵn có của địa phương cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân; kết hợp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
- Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới với các nước cũng như cập nhật thường xuyên, tổ chức tuyên truyền các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách của Nhà nước, giao lưu nhân dân khu vực biên giới, tăng cường tần suất tuần tra song phương, nâng cao hiệu quả giao ban các cấp để ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm đường biên, mốc giới và vi phạm quy chế biên giới; làm tốt công tác chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong khu vực biên giới.
- Chủ động nắm tình hình, dự báo, xử lý, kịp thời báo cáo và kiến nghị đề xuất đối với các vấn đề vượt thẩm quyền về những diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới; chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch, hoạt động xuất nhập cảnh, lôi kéo người vượt biên, buôn bán người, ma túy, gian lận thương mại, hoạt động tái trồng cây thuốc phiện và các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực biên giới.
- Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ ở khu vực biên giới, đầu tư xây dựng hệ thống đồn, trạm Biên phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Chủ động lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách hiện hành và bố trí ngân sách địa phương để thực hiện công tác quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi