Doanh nghiệp có được từ bỏ quyền đòi nợ khi bị tuyên bố phá sản?
Doanh nghiệp từ bỏ quyền đòi nợ khi bị tuyên bố phá sản có được không?
Căn cứ Điều 48 Luật Phá sản 2014 có quy định về hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản như sau:
1. Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, cấm doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau:
a) Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;
b) Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 của Luật này;
c) Từ bỏ quyền đòi nợ;
d) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Giao dịch quy định tại khoản 1 Điều này là vô hiệu và xử lý theo quy định tại Điều 60 của Luật này.
Theo đó, hành vi từ bỏ quyền đòi nợ là hoạt động bị cấm từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Cho nên doanh nghiệp của bạn không được từ bỏ quyền đòi nợ.
Chủ sở hữu từ bỏ quyền đòi nợ có bị cấm thành lập doanh nghiệp?
Căn cứ Khoản 3 Điều 130 Luật này có quy định như sau:
Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
Theo đó, khi bạn giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp mà từ bỏ quyền đòi nợ của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì có thể bị cấm thành lập doanh nghiệp mới trong vòng 03 năm.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn