Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức của Bộ Công Thương?
Bổ nhiệm vào ngạch công chức của Bộ Công Thương?
Căn cứ Điều 25 Quy chế về tuyển dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch công chức và công tác cán bộ của Bộ Công Thương Ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BCT năm 2022 quy định về bổ nhiệm vào ngạch công chức như sau:
1. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách công chức trúng tuyển trong kỳ thi nâng ngạch, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển theo quy định:
a) Đối với ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương:
Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
b) Đối với ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, ngạch chuyên viên hoặc tương đương, ngạch cán sự hoặc tương đương:
Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định theo thẩm quyền hoặc phân cấp việc quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ nâng ngạch.
c) Đối với ngạch kiểm soát viên thị trường:
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ nâng ngạch.
2. Việc xếp lương ở ngạch mới bổ nhiệm thực hiện theo quy định hiện hành.
Quy trình tổ chức thi nâng ngạch công chức của Bộ Công Thương?
Căn cứ Điều 26 Quy chế về tuyển dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch công chức và công tác cán bộ của Bộ Công Thương Ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BCT năm 2022 quy định về quy trình tổ chức thi nâng ngạch công chức như sau:
Kỳ thi nâng ngạch công chức bao gồm các bước sau:
1. Bước 1: Xin chủ trương tổ chức thi và đề xuất chỉ tiêu nâng ngạch công chức:
a) Rà soát nhu cầu nâng ngạch công chức
Căn cứ vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của các đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và số lượng công chức hiện có, Vụ Tổ chức cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của Tổng cục hướng dẫn các đơn vị theo phân công tổ chức thi nâng ngạch thực hiện rà soát nhu cầu và đăng ký chỉ tiêu nâng ngạch theo vị trí việc làm.
b) Xin chủ trương tổ chức thi và phê duyệt chỉ tiêu nâng ngạch
Căn cứ kết quả rà soát nhu cầu nâng ngạch và cơ cấu ngạch công chức của các đơn vị, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng phê duyệt chủ trương tổ chức thi và đề xuất chỉ tiêu nâng ngạch của từng đơn vị có nhu cầu thuộc Bộ, đảm bảo chỉ tiêu nâng ngạch không vượt quá cơ cấu ngạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm cả kỳ thi do Bộ và do Tổng cục tổ chức).
Chỉ tiêu nâng ngạch của từng đơn vị sẽ được tổng hợp cùng với Đề án tổ chức thi nâng ngạch để xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
2. Bước 2: Thông báo hướng dẫn thu, nộp hồ sơ:
Sau khi có chủ trương tổ chức thi và chỉ tiêu nâng ngạch cụ thể của từng đơn vị, căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện của các ngạch công chức theo quy định hiện hành, Vụ Tổ chức cán bộ và cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của Tổng cục hướng dẫn các đơn vị cử công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự kỳ thi nâng ngạch (do Bộ hoặc Tổng cục tổ chức).
Công chức dự thi nâng ngạch phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Quy chế này và gửi về Vụ Tổ chức cán bộ và cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của Tổng cục để thẩm định, rà soát. Thủ trưởng cơ quan hành chính thuộc Bộ cử công chức dự thi phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, xác nhận bản khai lý lịch, phẩm chất đạo đức, điều kiện, tiêu chuẩn đối với công chức được cử dự thi.
3. Bước 3: Thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch:
Đối với kỳ thi do Bộ tổ chức: Căn cứ hồ sơ nâng ngạch công chức do các đơn vị gửi, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện rà soát, thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện của từng công chức; báo cáo Bộ trưởng phê duyệt danh sách công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch.
Đối với kỳ thi do Tổng cục tổ chức: Căn cứ hồ sơ nâng ngạch công chức do các đơn vị gửi, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của Tổng cục phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục thực hiện rà soát, thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện của từng công chức; báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt danh sách công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch.
4. Bước 4: Xây dựng Đề án tổ chức thi nâng ngạch:
Nội dung xây dựng Đề án tổ chức thi nâng ngạch được thực hiện theo Điều 22 Quy chế này.
Đề án tổ chức thi nâng ngạch và chỉ tiêu nâng ngạch phải được xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.
5. Bước 5: Ban hành Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch:
Đối với kỳ thi do Bộ tổ chức: Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về Đề án tổ chức thi nâng ngạch và chỉ tiêu nâng ngạch, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu, trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức. Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch phải quy định chỉ tiêu nâng ngạch cụ thể của từng đơn vị sau khi đã có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
Đối với kỳ thi do Tổng cục tổ chức: Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về chỉ tiêu nâng ngạch, Bộ sẽ thông báo để Tổng cục ban hành Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức. Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch phải quy định chỉ tiêu nâng ngạch cụ thể của từng đơn vị sau khi đã có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương.
6. Bước 6: Thành lập Hội đồng thi, Ban giám sát kỳ thi và các Ban giúp việc của Hội đồng:
Đối với kỳ thi do Bộ tổ chức: Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu, trình Bộ trưởng thành lập Hội đồng thi, Ban giám sát kỳ thi.
Đối với kỳ thi do Tổng cục tổ chức: Tổng cục thành lập Hội đồng thi, Ban giám sát kỳ thi theo thẩm quyền quản lý.
Việc thành lập Hội đồng thi nâng ngạch được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Quy chế này.
Sau khi Hội đồng thi nâng ngạch công chức được thành lập, Vụ Tổ chức cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của Tổng cục tiếp tục tham mưu, trình Chủ tịch Hội đồng thi thành lập các Ban giúp việc của Hội đồng.
Việc tổ chức thi nâng ngạch công chức được thực hiện theo Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nội vụ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác.
7. Bước 7: Tổ chức thi, chấm thi và thông báo kết quả thi nâng ngạch:
Hội đồng thi tổ chức các vòng thi, chấm thi, thông báo kết quả thi nâng ngạch công chức theo Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi thăng hạng công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nội vụ.
Nội dung thông báo kết quả thi nâng ngạch được thực hiện theo Điều 24 Quy chế này.
8. Bước 8: Rà soát tiêu chuẩn, điều kiện dự thi; bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch công chức mới:
Việc bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch công chức mới đối với các công chức đạt kết quả kỳ thi và đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi theo quy định được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Quy chế này và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh