Báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng được quy định thế nào?
Phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng
Điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định về phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng như sau:
1. Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo.
3. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
4. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.
Báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng được quy định thế nào?
Điều 66 Luật này cũng quy định về báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng như sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác thì phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo cho người báo cáo biết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì người được báo cáo quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.
Bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
Bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 67 Luật này:
1. Việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
2. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo.
Khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
Người có thành tích trong việc phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
1. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của nội dung phản ánh, báo cáo.
2. Người tố cáo hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình theo quy định của Luật Tố cáo.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy