Khởi kiện đòi tiền thuê nhà
Khởi kiện đòi tiền thuê nhà
Tôi muốn tư vấn về trường hợp kiện dân sự một tổ chức thuê nhà khi không thực hiện trách nhiệm hợp đồng vì không trả tiền thuê. Thủ tục, trình tự và các hồ sơ gửi toà.
Trả lời:
Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Như vậy, khi một tổ chức không trả tiền thuê nhà thì anh chị có thể khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi bị đơn đóng trụ sở để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho mình.
Ai có quyền khởi kiện vụ án dân sự?
Tôi đang tìm hiểu về một số quy định liên quan đến tố tụng và có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp. Cụ thể, cho tôi hỏi: Ai có quyền khởi kiện vụ án dân sự? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
=> Như vậy, theo quy định này thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn nhé.
Ngoài ra, tại Luật này cũng có quy định về phạm vi khởi kiện như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
- Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Thời hạn tối đa sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện là bao lâu?
Vừa qua, tôi có nộp đơn khởi kiện đến Tòa để giải quyết ly hôn, bộ phân tiếp nhận đơn có nhận và đưa tôi giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện, hẹn ngày đến để biết có thụ lý hay không, khi đến hạn tôi đến thì có nhận thêm một giấy yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, trong đó có chỉ ra một số sai sót. Tôi có về làm lại, tuy nhiên tôi không rõ là thời hạn tối đa sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện là bao lâu?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng; trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Văn bản thông báo có thể được giao trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi cho người khởi kiện qua dịch vụ bưu chính và phải ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.
=> Như vậy, thời hạn để bạn thực hiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không quá 01 tháng; trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Mạc Duy Văn