Tranh chấp giữa người giúp việc và chủ nhà có phải hòa giải trước khi khởi kiện không?
Tranh chấp giữa người giúp việc và chủ nhà có phải hòa giải trước khi khởi kiện không?
Cho hỏi trong trường hợp có sự tranh chấp giữa lao động giúp việc gia đình và chủ nhà (người sử dụng lao động) thì có bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện hay không?
Trả lời: Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
...
Như vậy, tranh chấp lao động giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải (của hòa giải viên lao động). Trường hợp này các bên có thể khởi kiện trực tiếp nhờ Tòa án giải quyết tranh chấp mà không cần phải thông qua hòa giải.
Các công việc của người giúp việc trong gia đình?
Theo quy định pháp luật về lao động thì đối với lao động là người giúp việc gia đình sẽ bao gồm những công việc chủ yếu nào?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 161 Bộ Luật lao động 2019 quy định về nội dung trên như sau:
Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.
Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Người quen giúp việc trong gia đình có phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản?
Tôi ở Hà Nội, nay muốn làm người lao động giúp việc gia đình của ông bác tôi. Như vậy, chúng tôi có thể thỏa thuận giao kết bằng lời nói được không?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 162 Bộ Luật lao động 2019 quy định về nội dung trên như sau:
Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
Như vậy, đối với người giúp việc gia đình người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản cho dù đó là người thân như trường hợp của bạn nêu trên.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật