Hướng dẫn về khiếu nại quyết định xử phạt của CSGT?

Hướng dẫn khiếu nại quyết định xử phạt của CSGT? Giải quyết khiếu nại, kiến nghị liên quan đến biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính? Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại trong tố tụng hành chính?

Hướng dẫn khiếu nại quyết định xử phạt của CSGT?

Tôi có bị CSGT lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với hành vi lấn làn đường và ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, tôi thấy quyết định xử phạt này chưa thỏa đáng và tôi muốn khiếu nại. Xin hỏi, trình tự khiếu nại được luật pháp quy định như thế nào?

Trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 quy định:

- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu, hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Như vậy, nếu muốn khiếu nại về quyết định xử phạt của CSGT, bạn có thể đến đội, phòng CSGT nơi đã lập biên bản vi phạm hành chính để khiếu nại.

Giải quyết khiếu nại, kiến nghị liên quan đến biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

Là một sinh viên Luật, hiên em đang có tìm hiểu một số vấn đề có liên quan đến tố tụng hành chính, cụ thể: Giải quyết khiếu nại, kiến nghị liên quan đến biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi. (Minh Anh - Tiền Giang)

Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 77 Luật Tố tụng Hành chính 2015 có quy định về giải quyết khiếu nại, kiến nghị liên quan đến biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính như sau:

1. Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

3. Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại phiên tòa thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.

Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại trong tố tụng hành chính

Xin chào, tôi tên Năm Danh sinh sống và làm việc tại Nghệ An. Vừa qua, tôi có đưa đơn khiếu nại về một Quyết định hành chính. Do đó, mà tôi có tìm hiểu muốn biết người khiếu nại như tôi sẽ có những quyền và nghĩa vụ gì? Các bạn hỗ trợ giúp nhé.  

Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 328 Luật tố tụng hành chính 2015, Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định như sau:

1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khiếu nại;

b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án;

c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

d) Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án;

d) Chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại;

đ) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại trong tố tụng hành chính. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng tìm hiểu thêm tại Luật tố tụng hành chính 2015.

Trân trọng!

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào