Bị tai nạn lao động khi thử việc có được bồi thường không?
Trường hợp bị tai nạn lao động khi thử việc có được bồi thường?
Mình có gặp trường hợp như thế này cần nhờ mọi người tư vấn giúp: Anh A hiện đang là làm việc theo hợp đồng lao động tại công ty X, có tham gia BHXH đầy đủ. Song song đó thì anh có đang thử việc tại công ty Y. Và trong quá trình thử việc tại công ty Y thì anh này bị tai nạn lao động. Trường hợp này chắc chắc là công ty Y sẽ có các trách nhiệm được quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động rồi. Nhưng còn chế độ tai nạn lao động bên BHXH thì sao? Anh này có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?
Trả lời: Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
...
Như vậy, khi thử việc tại công ty Y và bị tai nạn lao động thì công ty Y có trách nhiệm đối với người lao động này, bao gồm các chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị...
Theo Điều 42, 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:
Điều 42. Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, để được hưởng chế độ tai nạn lao động của BHXH thì người này phải đáp ứng các điều kiện nêu trên. Vì khi thử việc thì không thuộc đối tượng áp dụng chế độ nên người này sẽ không được hưởng.
Mức lương người lao động được nhận trong thời gian nghỉ dưỡng sức do tai nạn lao động?
Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, thấy tình hình sức khỏe ổn nên bác sĩ có cho tôi về nhà, tiếp tục điều trị, và tôi có xin được đi làm lại, tuy nhiên đi làm do tính chất công việc ngồi suốt, nên tôi bị đai lại nên có xin được nghỉ dưỡng sức vài ngày. Được sự chấp thuận từ giám đốc, và họ cho phép tôi nghỉ 04 ngày, tuy nhiên tôi muốn biết mức lương mà tôi được nhận trong thời gian nghỉ dưỡng sức do tai nạn lao động là bao nhiêu?
Trả lời: Tại Điều 54 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định
1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
3. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, theo như quy định trên thì 01 ngày nghỉ dưỡng sức của bạn sẽ được hưởng 30% mức lương cơ sở.
Căn cứ để tính trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần
Tôi làm nhân viên văn phòng cũng gần 05 năm rồi, có tham gia bảo hiểm đầy rủ, tôi suy nghĩ trước về rủi ro tai nạn, nên có thắc mắc là dựa vào căn cứ nào để có thể tính trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần cho người lao động? Ban tư vấn sớm phản hồi giúp.
Trả lời: Tại Mục 3 Chương III Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định cách tính trợ cấp một lần dựa trên căn cứ là mức suy giảm khả năng lao động và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, mục này đã được bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 92 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
Theo đó, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thì tính trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dựa trên 02 cơ sở là mức suy giảm khả năng lao động và số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Do đó, ta có thể rút ra căn cứ để tính trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần hiện nay là dựa trên 02 căn cứ:
- Mức suy giảm khả năng lao động;
- Số năm đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Lê Bảo Y