Không thuộc đối tượng cấp GPLĐ thì có phải thông báo cơ quan nào không?

Theo quy định của pháp luật thì GPLĐ hết hiệu lực thì có phải nộp lại cho Sở LĐ-TB và XH không? GPLĐ hết hạn thì thực hiện cấp mới? Không thuộc đối tượng cấp GPLĐ thì có phải thông báo cơ quan nào không?

GPLĐ hết hạn thì thực hiện cấp mới?

Giấy phép lao động sẽ được gia hạn nhưng việc gia hạn chỉ được thực hiện một lần với thời hạn tối đa là 2 năm. Theo lưu ý trên thì chỉ được gia hạn 1 lần, lần tiếp theo sẽ phải làm thủ tục cấp mới, như lần đầu tiên đúng không ạ?

Trả lời: Tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.

Gia hạn Giấy phép lao động được hướng dẫn bởi Mục 5 Chương II Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Như vậy, theo quy định này thì việc gia hạn GPLĐ chỉ được thực hiện 1 lần, thời hạn là 02 năm, sau đó nếu hết hạn thì sẽ làm thủ tục cấp mới.

Không thuộc đối tượng cấp GPLĐ thì có phải thông báo cơ quan nào không?

Theo Nghị định 152, thì người lao động nước ngoài công ty mình có kết hôn với người VN và đang sống tại HCM. Như mình biết thì không thuộc đối tượng để cấp GPLĐ. Vậy bên mình có phải thông báo tới cơ quan nào không?

Trả lời: Tại Khoản 8 Điều 154 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động nước làm việc tại Việt Nam mà kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Khoản 2 Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Trường hợp quy định tại khoản 4, 6 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động và khoản 1, 2, 8 và 11 Điều 7 Nghị định này thì không phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng phải báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc thông tin: họ và tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, tên người sử dụng lao động nước ngoài, ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc trước ít nhất 3 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

Thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động tối đa là 02 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này. Trường hợp cấp lại xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì thời hạn tối đa là 02 năm.

Như vậy, trường hợp người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng buộc phải báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi NLĐ dự kiến làm việc.

GPLĐ hết hiệu lực thì có phải nộp lại cho Sở LĐ-TB và XH không?

Bên em có người lao động nước ngoài làm việc, bây giờ giấy phép lao động đã hết hiệu lực và cũng không làm việc tại công ty em nữa. Vậy em có phải thu lại và nộp giấy phép lao động cho Sở LĐ-TB và XH không ạ?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật lao động 2019 thì một trong những trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực là Giấy phép lao động hết thời hạn.

Và tại Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động bao gồm:

1. Giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 156 của Bộ luật Lao động.

2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định này.

...

Như vậy, trường hợp GPLĐ của người lao động nước ngoài tại công ty chị đã hết thời hạn. Đồng thời, công ty và NLĐ không tiếp tục ký hợp đồng nữa thì thuộc trường hợp bị thu hồi GPLĐ.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 152 thì đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này thì trong 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được.

Do đó, có thể thấy công ty chị sẽ có trách nhiệm thu hồi GPLĐ của NLĐ nước ngoài để nộp lại cho Sở LĐ - TB và XH đã cấp giấy phép lao động trước đó. Lưu ý thời gian trong 15 ngày kể từ ngày GPLĐ hết hiệu lực. Sau khi GPLĐ đã bị thu hồi thì phía Sở LĐ - TB và XH sẽ có văn bản xác nhận gửi tới công ty.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào