Sau khi ly hôn mà thay đổi người nuôi dưỡng con thì có cần hỏi ý kiến của con không?

Thay đổi người nuôi dưỡng con sau ly hôn có cần hỏi ý kiến của con không? Tôi và chồng đã ly hôn, ban đầu tôi là người nuôi con, nay tôi muốn tái hôn nên giao quyền nuôi con lại cho bố cháu. Vậy có cần phải hỏi ý kiến của cháu không? Người không nuôi con có các quyền và nghĩa vụ gì?

Thay đổi người nuôi dưỡng con sau ly hôn có cần hỏi ý kiến của con không?

Căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

.....

Như vậy, theo quy định trên, nếu con bạn đã từ đủ 7 tuổi trở lên thì khi thay đổi người nuôi dưỡng bạn cần phải xem xét nguyện vọng của con.

Nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như thế nào?

Căn cứ Điều 82 Luật này nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Theo đó, cha hoặc mẹ người không trực tiếp nuôi con sẽ có các quyền như trên đối với con.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ly hôn

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào