Người lao động nghỉ việc trong thời gian thai sản công ty có phải ra quyết định chấm dứt HĐLĐ?
Người lao động nghỉ việc trong thời gian thai sản công ty có phải ra quyết định chấm dứt HĐLĐ?
Công ty mình có 1 bạn lao động đang trong thời gian hưởng Chế độ thai sản (đến tháng 6/2020). Nhưng HĐLĐ của bạn ấy có thời hạn đến 19/3/2020 và bạn ấy không có nhu cầu gia hạn hợp đồng nữa. Vậy bên mình làm cái quyết định chấm dứt HĐLĐ thì có đúng Luật không? Cảm ơn!
Trả lời: Tại Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản...
Theo Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2012 thì:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:
Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Như vậy, khi hợp đồng hết hạn mà một trong hai bên không ký lại thì hợp đồng coi như là chấm dứt, khi đó công ty không bắt buộc phải ra quyết định chấm dứt HĐLĐ. Lưu ý là công ty không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động đang nghỉ thai sản, trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hoặc hợp đồng hết hạn thì công ty không vi phạm quy định này.
Đi làm lại khi chưa hết thời gian thai sản được hưởng quyền lợi gì?
Mình nghỉ sinh được 3 tháng bây giờ muốn đi làm lại do sức khỏe đã ổn và gia đình đang khó khăn nên muốn làm để có trang trải. Nhờ tư vấn giúp mình nếu bây giờ mình đi làm lại trên công ty thì được hưởng những quyền lợi gì?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Khoản 4 Điều này đồng thời xác định:
Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, theo quy định này, sau khi đã nghỉ thai sản được ít nhất 4 tháng, chị có thể được đi làm lại.
Các quyền lợi khi đi làm lại trước khi nghỉ hết thai sản mà chị được nhận sẽ bao gồm:
- Tiền lương cho công việc mà chị phụ trách do công ty trả;
- Tiền trợ cấp thai sản do cơ quan BHXH chi trả;
- Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động (Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019).
Lưu ý: Để được đi làm lại, chị phải được công ty đồng ý và phải được cơ sở khám, chữa bệnh xác nhận về việc chị đi làm lại trước khi nghỉ hết thai sản không ảnh hưởng đến sức khỏe của chị.
Nghỉ việc sau khi hưởng chế độ thai sản có phải thông báo với công ty?
Xin được hỏi, tôi vừa nghỉ hưởng Chế độ thai sản xong, mới đi làm lại 1 tuần. Do khối lượng công việc nhiều không có thời gian chăm con nhỏ nên muốn nghỉ việc. Không biết tôi có phải báo trước với công ty không? Tôi ký hợp đồng 24 tháng với chức vụ nhân viên sale.
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
Như vậy, trường hợp bạn ký hợp đồng lao động xác định thời hạn là 24 tháng, khi bạn muốn nghỉ việc thì phải thông báo với công ty ít nhất là 30 ngày.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật