Doanh nghiệp đang có tranh chấp giải quyết tại tòa thì có được giải thể không?

Doanh nghiệp đang giải quyết tranh chấp tại tòa thì có giải thể được không? Công ty tôi do làm ăn kém hiệu quả cho nên tôi có ý định giải thể tuy nhiên doanh nghiệp lại đang có tranh chấp. Tôi muốn biết khi đang giải quyết tranh chấp tại tòa thì có được giải thể không? Nếu giải thể trước khi giải quyết tranh chấp tại tòa thì có bị đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không?

Doanh nghiệp đang giải quyết tranh chấp tại tòa thì có giải thể được không?

Căn cứ Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định như sau:

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì không được thực hiện thủ tục giải thể.

Doanh nghiệp có tranh chấp nhưng đã giải thể thì có đình chỉ vụ án dân sự?

Căn cứ Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

....

Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp đã giải thể mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của doanh nghiệp thì vụ án dân sự sẽ bị đình chỉ giải quyết.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào