Có thể dùng tài sản khác với cam kết ban đầu để góp vốn vào công ty TNHH MTV có được không?
Có thể dùng tài sản khác với cam kết ban đầu để góp vốn vào công ty TNHH HTV được không?
Tôi và một số người bạn chuẩn bị mở một công ty TNHH HTV về vận tải. Ban đầu tôi cam kết góp vốn bằng tiền, nhưng hiện tại do tình hình dịch khó khăn khiến tôi khó có thể kiếm đủ số vốn như đã cam kết ban đầu. Tôi dự tính sẽ không góp tiền nữa mà đổi qua góp bằng quyền sử dụng đất mà tôi đang sở hữu, tôi có hỏi ý kiến của mọi người nhưng họ không đồng ý. Vậy theo quy định của pháp luật thì tôi có thể thực hiện việc góp vốn này không?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 về góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp như sau:
Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Như vậy, pháp luật quy định có thể sử dụng loại tài sản khác so với cam kết lúc đầu để góp vốn vào công ty, nhưng trong trường hợp này thì phải bảo đảm có sự đồng ý của trên 50% số thành viên còn lại đồng ý.
Trong trường hợp của anh không rõ có bao nhiêu người không đồng ý, nếu quá 50% không đồng ý thì anh không thể sử dụng loại tài sản khác để góp vốn vào công ty. Anh căn cứ quy định trên để thực hiện đúng.
Chủ sở hữu công ty TNHH MTV là tổ chức hay cá nhân đều có những quyền như nhau?
Cho hỏi quyền của chủ sở hữu công ty TNHH MTV là tổ chức và cá nhân thì có gì khác nhau không? Nhờ hỗ trợ giúp.
Trả lời: Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về quyền của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên như sau:
1. Chủ sở hữu công ty là tổ chức có quyền sau đây:
a) Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
b) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
c) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý, Kiểm soát viên của công ty;
d) Quyết định dự án đầu tư phát triển;
đ) Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
e) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
g) Thông qua báo cáo tài chính của công ty;
h) Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu;
i) Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;
k) Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;
l) Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
m) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
n) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
o) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
2. Chủ sở hữu công ty là cá nhân có quyền quy định tại các điểm a, h, l, m, n và o khoản 1 Điều này; quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Như vậy, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác thì chủ sở hữu công ty là cá nhân sẽ có ít quyền hơn so với chủ sở hữu là tổ chức theo quy định nêu trên.
Thành viên không góp đủ số vốn như đã cam kết vào công ty TNHH sẽ xử lý như thế nào?
Tôi và một vài người bạn mới mở một công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nên tôi hiện tôi mới chỉ góp được một nửa số vốn đã cam kết ban đầu. Mà hiện nay tôi không thể góp thêm vào được nữa. Vậy số vốn mà tôi đã góp và số vốn tôi chưa góp sẽ xử lý sao? Tại đã quá ngày cam kết góp vốn. Tôi có bị loại khỏi danh sách thành viên hay không?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 47 luật Doanh nghiệp 2020 quy định về góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp như sau:
3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
b) Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
4. Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Như vậy, với phần vốn đã góp vào công ty thì anh có quyền với phần vốn này như các thành viên khác. Đối với phần vốn chưa góp thì sẽ được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Trong trường hợp, không có đủ số vốn đã góp theo cam kết ban đầu thì công ty phải đi điều chỉnh vốn điều lệ và anh phải cam kết chịu các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Trân trọng!
Lê Bảo Y