Tổ chức tảo hôn có bị phạt? Mang thai hộ vì mục đích thương mại phạt bao nhiêu? Thế nào gọi là tập quán HNGĐ?
Tổ chức tảo hôn có bị phạt?
Em đang ở Buôn Đôn, Đăkh Lăk. Cháu gái em mới 15 tuổi đã bị ép cưới con ông nhà xóm. Ba mẹ cháu là chú thím tôi lại ép cháu tổ chức đám cưới hồi tháng đầu tháng 2. Cho tôi hỏi, ba mẹ cháu có bị phạt không ạ?
Trả lời:
Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
Độ tuổi được phép kết hôn được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Và tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Như vậy, hành vi của chú thím bạn tổ chức đám cưới cho cháu bạn mà cháu chưa đủ tuổi được phép kết hôn thì sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại phạt bao nhiêu?
Tôi nay năm 27 tuổi, đang ở quê Đồng Tháp. Vừa rồi có chị kia là người quen của mẹ tôi không có họ hàng gì cả, đang ở trên Sài Gòn nói nếu tôi giúp mang thai hộ cho gia đình chị và sinh con thành công thì sẽ đưa số tiền là 300 triệu. Nếu như tôi đồng ý thì tôi có bị xử phạt gì không ạ? Nếu có thì phạt bao nhiêu?
Trả lời:
Căn cứ Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Căn cứ Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về sinh con như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, nếu bạn đồng ý mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng theo quy định hiện hành và buộc nộp lại số tiền nhận được do mang thai hộ.
Thế nào gọi là tập quán về hôn nhân và gia đình?
Theo quy định pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hôn nhân thì tập quán về hôn nhân và gia đình được gọi là gì? Căn cứ pháp luật.
Trả lời:
Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
- Tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
Trên đây là định nghĩa thế nào được xem là tập quán về hôn nhân và gia đình theo quy định pháp luật.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi