Chưa nhập khẩu về nhà chồng có ly hôn đơn phương không? Ông nội cùng họ với ông ngoại người yêu thì có lấy nhau được không?

Chưa nhập khẩu về nhà chồng có được ly hôn đơn phương không? Ông nội cùng họ với ông ngoại người yêu thì có lấy nhau được không? Bản án ly hôn có gửi về cho UBND xã nơi đăng ký kết hôn không? Mong được giải đáp

Chưa nhập khẩu về nhà chồng có được ly hôn đơn phương không?

Em lấy chồng từ 2015 nhưng hộ khẩu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ, chưa nhập hộ khẩu về nhà chồng. Bây giờ em muốn ly hôn đơn phương thì có được không ạ?

Trả lời: 

Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Theo đó, trường hợp bạn ly hôn đơn phương thì Tòa án sẽ dựa vào các căn cứ: hành vi bạo lực gia đình; hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ, chồng; tình trạng và mục đích hôn nhân để giải quyết. 

Vì vậy mà bạn không ở chung sổ hộ khẩu với chồng thì hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương và được giải quyết nếu có các căn cứ nêu trên.

Ông nội cùng họ với ông ngoại người yêu thì có lấy nhau được không?

Em và người yêu mới quen nhau được hơn 1 năm, dự tính ra tết cưới. Nhưng có vừa rồi về ra mắt mới biết ông ngoại bạn trai họ Kim mà ông nội em cũng họ Kim. Vậy em với người yêu có lấy nhau được không ạ?

Trả lời:

Theo Điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về cấm các hành vi sau:

Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Mà tại Khoản 18 Điều 3 Luật này quy định: Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Như bạn trình bày ở trên thì ông nội bạn trùng họ Kim với ông ngoại bạn trai. Tuy nhiên, việc trùng họ nhưng chưa chắc có họ hàng với nhau, do đó bạn có thể hỏi lại gia đình về gia phả trong hai gia đình để kiểm tra.

Ngoài ra, nếu không phải là người có họ trong phạm vi ba đời thì ông nội bạn và ông ngoại người yêu bạn cùng họ không ảnh hưởng đến việc kết hôn của bạn nếu hai bạn đủ tuổi và tự nguyện.

Bạn có thể tham khảo thêm Điều kiện về độ tuổi đăng ký kết hôn.

Bản án ly hôn có gửi về cho UBND xã nơi đăng ký kết hôn không?

Tòa án xét xử xong vụ ly hôn của 2 vợ chồng tôi. Chúng tôi không muốn để ông bà 2 bên biết. Nhưng bản án này có gửi về gia đình, hay gửi về địa phương không vậy?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.

Như vậy bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật phải được gửi về cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ly hôn

Võ Ngọc Nhi

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào