Có được bán nhà ở xã hội khi ở chưa tới 05 năm? Để được bán nhà ở xã hội cần những điều kiện gì?
Có được bán nhà ở xã hội khi ở chưa tới 05 năm?
Chưa quá 5 năm sử dụng nhà ở xã hội có được bán không? Mong nhận đươc giải đáp của anh chị. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định về nguyên tắc bán nhà ở xã hội được quy định như sau:
”Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.”
Do đó để được bán nhà ở xã hội khi chưa sử dụng quá 05 năm thì bạn phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Bạn đã thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở xã hội.
- Bạn chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội mà bạn đang ở hoặc những người thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị quản lý không mua lại nhà của bạn với giá bán tối đa bằng với giá mà đơn vị quản lý đang bán những căn nhà khác cùng loại, cùng địa điểm, thời điểm với căn nhà của bạn và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trong trường hợp đơn vị quản lý nhà ở xã hội không đồng ý mua nhà của bạn thì bạn chỉ được bán cho các đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật nhà ở 2014 gồm các đối tượng sau:
- Người có công với các mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập gửi đến bạn.
Để được bán nhà ở xã hội cần những điều kiện gì?
Chào Ban biên tập, tôi là minh Thạnh, là công chức nhà nước hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cách đây mấy năm khi nhà nước có chính sách cho một số đối tượng trong việc mua nhà ở xã hội. Gia đình tôi có mua 01 căn, việc thanh toán và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở đã được thực hiện xong xuôi. Nhưng nay kinh tế gia đình đã ổn định hơn. Nên tôi đang có ý định bán nhà ở mà gia đình tôi đang dùng để mua một căn hộ thương mại khác để gia đình được sinh hoạt thoải mái hơn. Vậy cho tôi hỏi trường hợp của gia đình tôi có được bán nhà ở xã hội đó không. Mong sớm nhận câu trả lời.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở 2014
- Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội phải đúng quy định của Luật này; trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này chỉ được thuê hoặc thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội; đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng.
- Thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm; thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.
- Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.
- Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
- Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế; trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư mà thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.
- Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.
Việc xử lý tiền thuê, tiền mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự; việc xử lý tiền thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 135 của Luật này.
Như vậy, nhà ở xã hội chỉ được bán hoặc thế chấp sau 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Và chỉ được bán cho những đối tượng đáp ứng quy định về mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Tiền đặt cọc mua nhà ở xã hội có lấy lại được không?
Trường hợp tôi mua nhà ở xã hội đã đặt cọc 10% giá trị nhưng giờ thay đổi ý định không muốn mua nữa thì có lấy lại được tiền cọc không? Mong sớm nhận được phản hồi, chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Khoản 5 Điều 63 Luật Nhà ở 2014 quy định:
Việc ứng tiền trước của người mua nhà ở xã hội quy định tại Điều này được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, phù hợp với tỷ lệ hoàn thành xây dựng công trình nhà ở và tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt nhưng tổng số tiền ứng trước của người mua không được vượt quá 70% giá trị của nhà ở mua bán đến trước khi bàn giao nhà ở cho người mua và không được vượt quá 95% giá trị của nhà ở mua bán đến trước khi người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, tiền đặt cọc do hai bên thỏa thuận với nhau nhưng không quá số tiền đặt cọc quy định trong Khoản 5 Điều 63 Luật Nhà ở 2014. Nếu như không có thỏa thuận khác thì khi chấm dứt hợp đồng bạn sẽ bị mất tiền cọc, tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn