Gặp người tạm giữ, tạm giam vào ngày nghỉ có được không?
Có được gặp người tạm giữ, tạm giam vào ngày nghỉ không?
Căn cứ Khoản 3, Khoản 4 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA có quy định như sau:
3. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.
4. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân.
Như vậy, theo quy định như trên, đối với trường hợp đi thăm gặp người bị tạm giữ thì có thể gặp vào ngày nghỉ. Đối với người bị tạm giam thì chỉ được thăm gặp trong thời gian làm việc.
Thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải xuất trình các giấy tờ gì?
Căn cứ Khoản 2 Điều này có quy định như sau:
Thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh; giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
Theo đó, khi đi thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam bạn sẽ phải xuất trình các giấy tờ như trên.
Ai được thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều này Thân nhân đến thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo khoản 8, Điều 3 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
Theo đó, bạn phải thuộc vào các trường hợp như trên thì mới có quyền thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn