Mức hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của NLĐ được giám định mức suy giảm khả năng lao động lần đầu theo quy định ra sao?
Mức hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của NLĐ được giám định mức suy giảm khả năng lao động lần đầu hằng tháng
Theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực 01/3/2022) quy định về mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của NLĐ được giám định mức suy giảm khả năng lao động lần đầu hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính như sau:
Mức trợ cấp hằng tháng |
= |
Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động |
+ |
Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp |
= {0,3 x Lmin + (m - 31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t - 1) x 0,003 x L}
Trong đó:
Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
- m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
- L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ- CP.
- t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP.
Ví dụ 5: Ông E trên đường đi họp bị tai nạn giao thông vào tháng 8 năm 2020. Sau khi điều trị ổn định thương tật ông E được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 40%. Ông E có 12 năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7 năm 2020 là 5.000.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.600.000 đồng/tháng. Ông E thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
0,3 x 1.600.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.600.000 = 768.000 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,005 x 5.000.000 + (12 - 1) x 0,003 x 5.000.000 = 190.000 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp hằng tháng của ông E là:
768.000 đồng/tháng + 190.000 đồng/tháng = 958.000 (đồng/tháng).
Ví dụ 6: Ông M tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X từ tháng 9 năm 2020 và bị tai nạn lao động vào ngày 05 tháng 9 năm 2020. Sau khi thương tật ổn định và được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động 40%, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 9 năm 2020 là 5.000.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.600.000 đồng/tháng. Ông M thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
0,3 x 1.600.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.600.000 = 768.000 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,005 x 5.000.000 = 25.000 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp hằng tháng của ông E là:
768.000 đồng/tháng + 25.000 đồng/tháng = 793.000 (đồng/tháng)
Ví dụ 7: Ông Q có thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 12 năm 2017 với mức lương là 17.000.000 đồng/tháng. Có thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp Z từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018 và với mức lương là 5.000.000 đồng/tháng.
Ngày 09 tháng 01 năm 2017 ông Q bị tai nạn lao động. Như vậy, Doanh nghiệp Z vẫn phải đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng 01 năm 2017 đối với ông Q và thời gian, tiền lương làm căn cứ để tính khoản trợ cấp tai nạn lao động theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với ông Q như sau:
- Thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động của ông Q chỉ được tính từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016.
- Tiền lương làm căn cứ tính hưởng trợ cấp theo thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của ông Q được xác định:
+ Là tổng tiền lương của tháng 12 năm 2016 tại Doanh nghiệp X và tiền lương của tháng 01 năm 2017 tại Doanh nghiệp Z nếu ông Q bị tại nạn lao động tại doanh nghiệp Z;
+ Là tiền lương của tháng 12/2016 tại Doanh nghiệp X nếu ông Q bị tai nạn lao động tại Doanh nghiệp X.
Ví dụ 8: Ông A giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X. Đồng thời, Ông A có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với Doanh nghiệp Y. Tháng 8 năm 2020, trên đường đi hội nghị theo sự phân công của người sử dụng lao động doanh nghiệp X thì Ông A bị tai nạn. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 40%. Ông A có 12 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổng mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y là 13.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng bắt đầu hưởng trợ cấp tai nạn lao động là 1.600.000 đồng/tháng. Ông A thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 0,3 x 1.600.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.600.000 = 768.000 (đồng/tháng).
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 0,005 x 13.400.000 + (12 - 1) x 0,003 x 13.400.000 = 509.200 (đồng/tháng).
- Mức trợ cấp hàng tháng là 768.000 + 509.200 = 1.277.200 (đồng/tháng). Doanh nghiệp X có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho ông A.
Ví dụ 9: Ông A đồng thời có hợp đồng lao động và bắt đầu tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y từ tháng 8 năm 2020. Ngày 20 tháng 8 năm 2020, trên đường đi hội nghị theo sự phân công của người sử dụng lao động doanh nghiệp X thì ông A bị tai nạn giao thông. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 40%.
Ông A có dưới 01 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổng mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y là 13.400.000 đồng. Giả sử mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.600.000 đồng/tháng. Ông A thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 0,3 x 1.600.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.600.000 = 768.000 (đồng/tháng).
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 0,005 x 13.400.000 = 67.000 (đồng/tháng).
- Mức trợ cấp hàng tháng là 768.000 đồng/tháng + 67.000 đồng/tháng = 835.000 (đồng/tháng).
Doanh nghiệp X có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho ông A.
Việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động của mức hưởng NLĐ bị nhiễm HIV/AIDS
Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định về việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động của mức hưởng NLĐ bị nhiễm HIV/AIDS
Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng bằng mức hưởng của người lao động bị bệnh nghề nghiệp do suy giảm khả năng lao động thấp nhất là 61% không phải qua giám định y khoa.
Trường hợp giám định y khoa mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao hơn thì mức hưởng được tính theo mức suy giảm khả năng lao động tại kết luận của Hội đồng Giám định y khoa và hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp trong trường hợp này phải có Biên bản giám định y khoa.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi