Có phải ngày khởi kiện vụ án hành chính chính là ngày nộp đơn?
Có phải ngày khởi kiện vụ án hành chính là ngày nộp đơn?
Liên quan đến quy định về khởi kiện trong vụ án hành chính thì có phải ngày khởi kiện vụ án hành chính chính là ngày nộp đơn hay không?
Trả lời: Căn cứ Điều 120 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về xác định ngày khởi kiện vụ án hành chính như sau:
1. Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn.
2. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
3. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn đến Tòa án qua dịch vụ bưu chính thì ngày khởi kiện là ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
4. Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 34 và khoản 3 Điều 165 của Luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Như vậy, không phải các trường hợp khởi kiện vụ án hành chính đều xác định ngày khởi kiện là ngày nộp đơn mà tùy từng phương thức gửi, gửi bằng cách nào mà xác định ngày nộp đơn khác nhau như: Ngày nộp đơn; Ngày gửi đơn; Ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi; Ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính... theo quy định trên.
Thẩm phán có được trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính không?
Xin hỏi theo quy định hiện hành thì Thẩm phán có được trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính không?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 123 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về trả lại đơn khởi kiện như sau:
1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
b) Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;
c) Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
d) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
đ) Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
e) Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;
g) Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;
h) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.
Như vậy, Thẩm phán hoàn toàn được trả lại đơn khởi kiện khi thuộc một trong những trường hợp như: Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;Người khởi kiện không có quyền khởi kiện; Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật... và các trường hợp khác nêu trên.
Các hình thức nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính đối với Chủ tịch xã?
Xin hỏi tôi muốn nộp đơn ra tòa khởi kiện Chủ tịch xã trong vụ án về hành chính thì xin hỏi có thể nộp theo những phương thức nào? Nộp qua bưu điện được không?
Trả lời: Căn cứ Điều 119 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về gửi đơn khởi kiện đến Tòa án như sau:
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:
1. Nộp trực tiếp tại Tòa án.
2. Gửi qua dịch vụ bưu chính.
3. Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Như vậy, hiện nay có 3 phương thức nộp đơn ra Tòa và bạn có thể gửi qua bưu điện đối với hồ sơ của mình.
Trân trọng!
Lê Bảo Y