Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại và vừa có đơn khởi kiện?
Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện?
Ông Bảy cư trú tại phường 5, quận D, thành phố Hồ Chí Minh do có hành vi vi phạm hành chính nên bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 5 xử phạt và tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm. Ông Bảy đã khiếu nại lần đầu và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường 5 đã giải quyết khiếu nại: giữ nguyên quyết định xử phạt. Do không đồng ý với quyết định này, Ông Bảy đã khiếu nại tiếp lên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận D, đồng thời khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án quận D? Xin hỏi trong trường hợp này, vụ việc của ông Bảy sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Trả lời: Theo quy định tại Điều 33 Luật Tố tụng hành chính 2015 về xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện thì:
Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.
Trường hợp người khởi kiện không thể tự mình làm văn bản thì đề nghị Tòa án lập biên bản về việc lựa chọn cơ quan giải quyết. Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án xử lý như sau:
- Trường hợp người khởi kiện lựa chọn Tòa án giải quyết thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án;
- Trường hợp người khởi kiện lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì Tòa án căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 của Luật này trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.
Trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Tòa án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền giải quyết trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Tố tụng hành chính 2015 để nắm rõ quy định này.
Thủ tục hỏi người khởi kiện trong tố tụng hành chính
Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Khánh Linh, có vấn đề thắc mắc cần Ban biên tập tư vấn. Cho tôi hỏi: Trước khi mở phiên toà, Toà án đã lấy lời khai của nguời khởi kiện thì có bắt buộc hỏi tại phòng xử án nữa không. Đề nghị cho biết pháp luật quy định về việc này như thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Trả lời: Theo quy định tại Điều 180 Luật Tố tụng hành chính 2015 về hỏi người khởi kiện thì:
1. Trường hợp có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phải hỏi riêng từng người một.
2. Chỉ hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về vấn đề mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của người khởi kiện, người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trả lời thay cho họ và sau đó người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả lời bổ sung.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục hỏi người khởi kiện trong tố tụng hành chính. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Tố tụng hành chính 2015 để nắm rõ quy định này.
Quyết định giải quyết khiếu nại về lao động và bảo hiểm xã hội có phải đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính không?
Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Hoài Nam, có vấn đề thắc mắc cần Ban biên tập tư vấn. Cho tôi hỏi: Quyết định giải quyết khiếu nại về lao động và bảo hiểm xã hội có phải đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Trả lời: Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định:
"Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể."
"Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân."
Như vậy, quyết định giải quyết khiếu nại về lao động và bảo hiểm xã hội sẽ là quyết định hành chính nhà nước nếu do cơ quan được giao thực hiện quản lý hành chính về lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội ban hành (Sở lao động thương binh xã hội, Phòng lao động thương binh xã hội......); áp dụng một lần với một hoặc một số đối tượng cụ thể, và quyết định một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Tố tụng hành chính 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Lê Bảo Y