Tòa án sẽ thụ lý giải quyết khi không có đơn khởi kiện?
Tòa vẫn thụ lý giải quyết khi không có đơn khởi kiện?
Tôi là công chức phòng Tư pháp-Hộ tịch xã Hòa Nhơn, tôi muốn hỏi về trường hợp tôi có lên tòa án yêu cầu giải quyết vụ án hành chính về tranh chấp đất đai liên quan đến cơ quan tôi làm, tôi có đầy đủ hồ sơ, chứng cứ nhưng khi tới tòa yêu cầu giải quyết họ lại không giải quyết cho tôi vì tôi không làm đơn khởi kiện. Như vậy khi có đầy đủ chứng cứ, tôi vẫn phải làm đơn này hay sao?
Trả lời: Căn cứ Điều 8 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện, thực hiện các quyền tố tụng khác của mình theo quy định của Luật này.
Như vậy, trường hợp bạn không có đơn khởi kiện mà yêu cầu giải quyết vụ án hành chính thì Tòa sẽ không thụ lý theo quy định trên.
Vụ án hành chính đã bị đình chỉ có được khởi kiện lại?
Tôi có viết đơn yêu cầu Tòa án giải quyết về việc UBND huyện ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh tôi là sai. Tuy nhiên vụ án đó đã bị đình chỉ giải quyết, bây giờ tôi muốn khởi kiện lại có được không?
Trả lời: Khoản 1 Điều 144 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính như sau:
Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp bị đình chỉ theo quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 123, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 143 của Luật này và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó thì người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án hành chính nếu vụ án đó bị đình chỉ trong các trường hợp:
- Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;
- Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
- Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;
- Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;
- Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Do thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể nên bạn đối chiếu các trường hợp nêu trên, nếu việc đình chỉ vụ án hành chính của bạn thuộc các trường hợp đã nêu thì bạn được khởi kiện lại.
Có được khởi kiện quyết định hành chính khi không có quyết định giải quyết khiếu nại không?
Diện tích đất của tôi nằm trong phần quy hoạch, nhưng khi nhà nước tiến hành bồi thường không thỏa đáng, tôi đã làm đơn khởi kiện đến UBND xã họ không giải quyết. Vậy cho hỏi tôi có được khởi kiện khi không có quyết định giải quyết khiếu nại không?
Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 115 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.
Mặt khác theo Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, cụ thể như sau:
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Như vậy, khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà UBND xã không được giải quyết thì sẽ được khởi kiện ra Tòa để giải quyết.
Trân trọng!
Lê Bảo Y