Nội dung, cách thức theo dõi hoạt động đầu tư nước ngoài
Nội dung và cách thức theo dõi hoạt động đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 5 Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ 01/04/2022) có quy định về nội dung và cách thức theo dõi hoạt động đầu tư nước ngoài như sau:
1. Cơ quan đăng ký đầu tư theo dõi các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 71 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP .
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo dõi các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 72 Nghị định 29/2021/NĐ-CP
3. Cách thức tiến hành theo dõi
a) Theo dõi thường xuyên;
b) Theo dõi chuyên đề.
Theo dõi thường xuyên hoạt động đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 6 Thông tư này việc theo dõi thường xuyên hoạt động đầu tư nước ngoài được quy định như sau:
1. Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký đầu tư phân công trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân trực thuộc có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, nắm tình hình về các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong phạm vi được phân công (gọi chung là người theo dõi).
2. Người theo dõi thu thập các văn bản, tài liệu, thông tin, đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan để xem xét, phát hiện vấn đề. Trường hợp cần thiết, có thể đề nghị tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp văn bản, tài liệu phục vụ việc theo dõi.
3. Định kỳ (6 tháng, 1 năm) hoặc đột xuất theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký đầu tư, người theo dõi báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi bằng văn bản về tình hình triển khai, hoạt động, các vướng mắc của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư thì báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xem xét, quyết định.
4. Người theo dõi đôn đốc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
5. Người theo dõi lập và lưu trữ hồ sơ quản lý dự án.
Theo dõi chuyên đề hoạt động đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 7 Thông tư này việc theo dõi chuyên đề hoạt động đầu tư nước ngoài được quy định như sau:
1. Căn cứ nhu cầu quản lý nhà nước và thông qua công tác nắm tình hình, nghiên cứu báo cáo, tài liệu có liên quan, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xây dựng chương trình, kế hoạch theo dõi đối với một số tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý; thông báo cho tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài biết về nội dung, mốc thời điểm theo dõi, thời gian theo dõi.
2. Cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi lập kế hoạch theo dõi cụ thể theo chuyên đề đối với các đối tượng trong kế hoạch; quyết định lập tổ giám sát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ giám sát; có văn bản đề nghị tổ chức kinh tế, dự án được theo dõi chuẩn bị, gửi báo cáo và tài liệu phục vụ việc theo dõi.
3. Tổ giám sát yêu cầu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án tổ chức cuộc họp báo cáo; các thành viên dự họp trao đổi, thảo luận nội dung báo cáo và yêu cầu giải trình những vấn đề cần thiết.
4. Tổ giám sát báo cáo bằng văn bản với cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi về kết quả theo dõi đối với tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài được theo dõi. Báo cáo gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
5. Cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xem xét, đánh giá báo cáo của Tổ giám sát; thông báo bằng văn bản kết quả theo dõi cho tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài được theo dõi về ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm (nếu có) và những yêu cầu cần thiết.
6. Cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi lưu kết quả của Tổ giám sát vào hồ sơ quản lý dự án.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn