Quản lý, sử dụng chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng được quy định ra sao?

Vui lòng cung cấp cho tôi quy định về quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư được quy định ra sao? Nội dung chi phí giám sát, đánh giá đầu tư gồm các nội dung nào?

Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư

Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư được quy định tại Điều 90 Nghị định 29/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Việc quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của chủ chương trình đầu tư công, chủ đầu tư dự án đầu tư công thực hiện theo quy định về quản lý chi phí chương trình, dự án đầu tư.

- Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án PPP thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

- Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác: Nhà đầu tư tự quản lý và sử dụng nguồn kinh phí giám sát, đánh giá đầu tư theo tính chất quản lý nguồn vốn đầu tư của dự án.

- Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

+ Hằng năm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giám sát, đánh giá đầu tư lập kế hoạch và dự toán chi sự nghiệp, chi thường xuyên cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư. Dự toán chi cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư được lập trên cơ sở kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư, nội dung chi theo quy định tại Điều 89 Nghị định này và định mức theo quy định hiện hành;

+ Việc quản lý chi phí giám sát, đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi sự nghiệp, chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo Luật Ngân sách nhà nước;

+ Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuê tư vấn để thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá chương trình, dự án được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.

- Quản lý, sử dụng chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng:

+ Chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn cấp xã được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và do ngân sách cấp xã đảm bảo. Mức kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã bố trí phù hợp với kế hoạch hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng do Hội đồng nhân dân xã quyết định và đảm bảo mức kinh phí tối thiểu 10 triệu đồng/năm cho một xã.

Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo quy định về quản lý ngân sách cấp xã và các hoạt động tài chính khác của cấp xã;

+ Chi phí hỗ trợ công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết về giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp huyện, tỉnh được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp tỉnh và do ngân sách cấp huyện, cấp tỉnh đảm bảo.

- Việc lập dự toán chi phí giám sát và đánh giá đầu tư và quản lý chi phí giám sát và đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành.

Nội dung chi phí giám sát, đánh giá đầu tư gồm các nội dung nào?

Nội dung chi phí giám sát, đánh giá đầu tư quy định tại Điều 89 Nghị định 29/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Chi cho công tác theo dõi chương trình, dự án đầu tư.

- Chi cho công tác kiểm tra chương trình, dự án đầu tư.

- Chi cho công tác đánh giá chương trình, dự án đầu tư.

- Chi cho công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư.

- Chi cho công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư.

- Chi phí cho việc vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư.

- Chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng.

Trân trọng.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đầu tư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào