Xử lý ra sao trong trường hợp bồi thường nhầm loại đất khi thu hồi?
Xử lý ra sao trường hợp bồi thường nhầm loại đất khi thu hồi?
Tôi có một câu hỏi rất mong được các anh chị giải đáp. Gia đình tôi có mảnh đất trồng chè ở Lâm Đồng (đất trồng cây lâu năm). Mới đây, mảnh đất đó bị thu hồi để xây dựng dự án mới. Nhưng gia đình tôi lại được bồi thường theo đất lâm nghiệp. Cho tôi hỏi họ bồi thường như thế có đúng không? Tôi phải làm gì để được bồi thường đúng theo quy định của pháp luật? Rất mong nhận được phản hồi từ anh chị. Trân trọng cảm ơn!
Theo Điều 74 Luật đất đai 2013 việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi như sau
1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.
2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên, việc bồi thường đất được thực hiện theo hai cách: giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Do đó, trong trường hợp của gia đình bạn, nếu loại đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và loại đất làm căn cứ để bồi thường tiền là khác nhau thì bạn có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 204 Luật đất đai 2013, cụ thể:
- Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
- Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Theo đó, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bồi thường (theo giá đất lâm nghiệp), bạn có thể gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc khởi kiện vụ theo quy định của Luật tố tụng Hành chính.
Khiếu kiện quyết định thu hồi đất?
Gia đình tôi có 2000 m2 diện tích đất trồng lúa trên địa bàn Huyện X, tỉnh Y. Ngày 20/05/2018, gia đình tôi nhận được quyết định thu hồi đất của ông Nguyễn Văn A là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X. Nay gia đình tôi muốn khởi kiện ông A cùng quyết định thu hồi đất. Xin hỏi, gia đình tôi có thể khởi kiện ở đâu?
Căn cứ theo nội dung câu hỏi của gia đình, có thể xác định đối tượng khởi kiện là quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện X. Do đó, gia đình có thể thực hiện khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Y, căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Đồng thời căn cứ theo Điều 44 Luật đất đai 2013, thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thuộc về Ủy ban nhân dân huyện nơi có bất động sản. Như vậy, gia đình cần xác định Người bị kiện trong vụ án hành chính trên là Ủy ban nhân dân huyện X, tỉnh Y; ông Nguyễn Văn A chỉ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Chủ tịch UBND cấp huyện có được ủy quyền ký quyết định cưỡng chế thu hồi đất không?
Xin hỏi, Chủ tịch UBND cấp huyện có được uỷ quyền ký quyết định cưỡng chế thu hồi đất cho Phó chủ tịch không? Nếu được thì việc uỷ quyền cho cả nhiệm kỳ được không?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai 2013 có quy định:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Như vậy, theo quy định trên thì Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩn quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Và tại Điều 29 Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể tại khoản 6 Điều 29 có quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
…
- Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện;...
Như vậy, căn cứ quy định trên của pháp luật, Chủ tịch UBND huyện có quyền ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của mình. Về thời hạn ủy quyền của cấp trưởng đối với cấp phó chúng tôi chưa ghi nhận được quy định về việc ủy quyền cho cả nhiệm kỳ bạn nhé.
Trân trọng!
Lê Bảo Y