Thời hạn thuê nhà ở xã hội là bao lâu? Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cần đáp ứng các nguyên tắc gì?
Thời hạn thuê nhà ở xã hội là bao lâu?
Vợ chồng tôi là đều là cán bộ, công chức muốn thuê nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện gì? Và chúng tôi được thuê trong thời gian bao lâu?
Trả lời:
Theo Khoản 7 Điều 49 và Khoản 1 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 thì cán bộ, công chức là đối tượng được thuê nhà ở xã hội.
* Điều kiện thuê nhà ở xã hội
Theo Điều 51 Luật Nhà ở 2014, bạn muốn thuê nhà ở xã hội thì phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định sau đây:
- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;
- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này;
- Đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 của Luật này thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định tại điểm này.
* Thời hạn thuê nhà ở xã hội
Khoản 2 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định về nguyên tắc cho thuê nhà ở xã hội như sau:
Thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm; thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.
Như vậy trường hợp của bạn được thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm.
Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cần đáp ứng nguyên tắc gì?
Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cần đáp ứng nguyên tắc gì? Xin chào quý Ban biên tập, tôi tên Linh Huyền sinh sống và làm việc tại Tp. HCM. Tôi hiện có nhu cầu mua nhà xã hội, nên có tìm hiểu các quy định về vấn đề này, tuy nhiên vẫn chưa hiểu lắm, nhờ ban biên tập hỗ trợ giúp, cụ thể: Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cần đáp ứng nguyên tắc gì? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (0123**)
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở 2014 nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội được quy định như sau:
1. Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội phải đúng quy định của Luật này; trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này chỉ được thuê hoặc thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội; đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng.
2. Thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm; thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.
3. Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.
4. Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
5. Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế; trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư mà thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.
6. Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.
Việc xử lý tiền thuê, tiền mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự; việc xử lý tiền thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 135 của Luật này.
Trên đây là nội dung tư vấn về Nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng xem thêm tại Luật Nhà ở 2014. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Sinh viên thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được không?
Em là sinh viên ở dưới quê lên thành phố (lên từ lúc còn là học sinh) ở nhà cậu, đã tách khẩu dưới quê và nhập khẩu vào nhà cậu. Vậy cho hỏi em có được thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước không? Vì nhà ở này gần trường em học. Xin cảm ơn!
Trả lời:
- Theo Khoản 9 Điều 49 Luật nhà ở 2014 quy định các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:
+ ...
+ Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.
- Tại Khoản 1 Điều 51 quy định điều kiện sinh viên được thuê nhà ở xã hội như sau:
+ Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
+ Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội.
- Theo Khoản 1 Điều 18 Thông tư 19/2016/TT-BXD quy định như sau: Nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước dùng để cho học sinh, sinh viên (sau đây gọi chung là sinh viên) thuê quy định tại Mục này được gọi chung là nhà ở sinh viên. Thời gian thuê nhà ở sinh viên được xác định trên cơ sở nhu cầu ở của sinh viên nhưng tối thiểu không thấp hơn 01 năm và tối đa không vượt quá thời gian học tập tại cơ sở giáo dục, đào tạo.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là sinh viên đang ở nhà cậu và đã nhập khẩu vào nhà cậu ở Thành phố. Do đó, căn cứ quy định trên thì bạn được thuê nhà ở xã hội trong thành phố bạn đang thường trú.
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn