Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định ra sao? Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động?
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định ra sao?
Chào chuyên viên, cho mình hỏi vấn đề như thế này: Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo Bộ luật Lao động 2019 được quy định thế nào? Mình xin cảm ơn!
Trả lời. Tại Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, như sau:
Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất được quy định ra sao?
Chuyên viên cho mình hỏi: Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất được quy định thế nào theo Bộ luật Lao động 2019? Mình cảm ơn!
Trả lời. Tại Điều 131 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, như sau
Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất:
Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm các hành vi nào?
Chào chuyên viên, cho mình hỏi: Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động theo Bộ luật Lao động 2019 được quy định như thế nào? Mình cảm ơn!
Trả lời. Tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, như sau:
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật