Có thể dùng giấy xác nhận nhân thân để thay giấy tờ tùy thân khi rút BHXH? Khi nào thì được nhận Bảo hiểm xã hội một lần?
Dùng giấy xác nhận nhân thân thay giấy CMND, hộ chiếu, GPLX để rút BHXH được không?
Căn cứ Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.
3. Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;
b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;
c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
4. Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 và điểm c khoản 1 Điều 77 của Luật này.
5. Đối với người lao động quy định tại Điều 65 và khoản 5 Điều 77 của Luật này thì hồ sơ hưởng trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Theo quy định tại Phụ lục XIV Ban hành kèm theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định về giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay như sau:
Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân;
Giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân;
Thẻ Đại biểu Quốc hội;
Thẻ Đảng viên;
Thẻ Nhà báo;
Giấy phép lái xe ô tô, mô tô;
Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia;
Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn;
Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam;
Giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận (giấy xác nhận có các thông tin thể hiện các nội dung sau:
Cơ quan xác nhận, người xác nhận;
Ngày, tháng, năm xác nhận;
Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú của người được xác nhận;
Lý do xác nhận. Giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận);
Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.
Như vậy, theo quy định hiện hành không quy định việc hồ sơ nhận BHXH 01 lần phải bao gồm giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe, ...). Tuy nhiên cơ quan bảo hiểm có thể đề nghị xem giấy tờ tùy thân để đối chiếu với hồ sơ. Do đó, trong trường hợp này bạn có thể dùng giấy xác nhận nhân thân với nội dung được quy định phía trên.
Khi nào thì được nhận Bảo hiểm xã hội một lần?
Căn cứ Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Đối tượng để nhận bảo hiểm xã hội một lần như sau:
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Theo đó, thì để nhận bảo hiểm một lần bạn cần thuộc một trong số đối tượng được quy định phía trên.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi