Từ chối nhận thừa kế và chuyển nhượng phần thừa kế
Theo nội dung bạn trình bày thì ông ngoại của bạn mất năm 2005 mà không để lại di chúc. Theo quy định tại Điều 675 Bộ luật Dân sự 2005 thì không có di chúc là một trong những trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng.
Bạn có trình bày là ông ngoại bạn có 2 người con là mẹ bạn và cậu của bạn. Vì bạn không trình bày rõ là liệu có người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất của ông ngoại bạn nữa hay không (ví dụ: vợ của ông ngoại bạn) nên ta giả định là không có và xác định chỉ có mẹ bạn và cậu của bạn là hai người thừa kế của ông ngoại bạn.
Bạn có 2 câu hỏi:
- Đến năm 2012 cậu của bạn có thể làm đơn từ chối nhận thừa kế hay không?
- Cậu của bạn có thể chuyển nhượng phần thừa kế của cậu cho bạn được không và nếu được thì thủ tục thực hiện như thế nào?
Đối với câu hỏi thứ nhất:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 624 Bộ luật Dân sự 2005 về từ chối nhận di sản, “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 624 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế”.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (khoản 1 Điều 633 Bộ luật Dân sự 2005). Vì bạn không trình bày rõ thời điểm ông ngoại của bạn mất mà chỉ nêu năm mất, nên bạn cần căn cứ vào ngày mà ông ngoại bạn mất để xác định thời điểm mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế”.
Như vậy, đến năm 2012 thì đã quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Do đó, cậu bạn được coi là đã đồng ý nhận thừa kế và không thể tiến hành thủ tục từ chối nhận thừa kế.
Đối với câu hỏi thứ hai:
Bạn không trình bày rõ mẹ bạn và cậu bạn đã tiến hành khai nhận di sản thừa kế hay chưa, có văn bản thỏa thuận phân chia di sản hay không và có văn bản thỏa thuận là đồng thừa kế hay không.
Trong trường hợp chưa khai nhận di sản thừa kế, mẹ và cậu của bạn nên đến một văn phòng công chứng để tiến hành khai nhận di sản thừa kế và công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Văn phòng công chứng sẽ hướng dẫn cụ thể các loại giấy tờ cần chuẩn bị. Tuy nhiên, các hồ sơ giấy tờ cơ bản cần chuẩn bị bao gồm:
A. Hồ sơ pháp lý các bên khai nhận di sản thừa kế
1.CMND hoặc hộ chiếu (bản chính kèm bản sao) của từng người
2. Hộ khẩu (bản chính kèm bản sao)
3.Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao)
4. Hợp đồng ủy quyền (bản chính kèm bản sao), giấy ủy quyền (nếu xác lập giao dịch thông qua người đại diện)
5.Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác (bản chính kèm bản sao) chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế
B. Hồ sơ pháp lý của người đề lại di sản thừa kế
1. Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao)
2. Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao)
3. Di chúc (nếu có)
C. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế:
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở (bản chính kèm bản sao); Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có).
2. Giấy phép xây dựng (nếu có)
3. Biên bản kiểm tra công trình hoàn thành (nếu có)
4. Bản vẽ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện, đã được UBND hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận kiểm tra nội nghiệp, quy hoạch (nếu có).
5. Giấy tờ về tài sản khác (Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy xác nhận của ngân hàng mở tài khoản, giấy đăng ký xe ô tô, cổ phiếu, ...)
Khi cậu bạn trở thành chủ sở hữu của các tài sản được chia, cậu của bạn có quyền chuyển nhượng cho người khác, trong đó có bạn. Lưu ý là trong trường hợp pháp luật có quy định trình tự thủ tục trong việc đăng ký quyền sở hữu và chuyển nhượng đối với những loại tài sản nhất định (ví dụ: xe máy, ô tô, nhà ở, nhà, quyền sử dụng đất…) thì cậu của bạn phải tuân thủ các quy định pháp luật đó để đăng ký quyền sở hữu và thực hiện chuyển nhượng tài sản.
Trong trường hợp di sản chưa chia, mẹ và cậu của bạn có văn bản thỏa thuận là đồng thừa kế đối với khối di sản thừa kế đó thì Theo Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 10tháng 08năm 2004, tại điểm 2.2., mục 2 quy định: Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
Trong trường hợp này, nếu mẹ của bạn và cậu của bạn có văn bản xác nhận là đồng thừa kế thì khối di sản trở thành tài sản chung của mẹ và cậu của bạn. Để cậu của bạn chuyển nhượng cho bạn phần tài sản của cậu trong khối tài sản chung đó, cậu của bạn trước hết phải yêu cầu chia tài sản chung.
Khi cậu của bạn đã là chủ sở hữu của các tài sản đã tách ra khỏi khối tài sản chung đó thì cậu của bạn có quyền chuyển nhượng cho bạn.
Tùy thuộc loại tài sản là tài sản có phải đăng ký quyền sở hữu hay không mà thủ tục khác nhau đăng ký sở hữu tài sản và thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản là khác nhau. Cũng tùy thuộc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu là loại tài sản nào mà thủ tục đăng ký quyền sở hữu cũng khác nhau (ví dụ: thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với ô tô, xe máy khác với đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất). Cậu của bạn và bạn cần căn cứ vào các quy định pháp luật cụ thể đối với từng loại tài sản để tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản. Trong trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, cậu của bạn cần đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại nơi có đất để được hướng dẫn về hồ sơ và các thủ tục cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật