Quyết định cưỡng chế thi hành án có gửi cho UBND xã không? Có được thỏa thuận tạm hoãn thi hành án dân sự không?

Quyết định cưỡng chế thi hành án có gửi cho UBND xã không? Có được thỏa thuận tạm hoãn thi hành án dân sự không?Người được thi hành án mà chết không có người thừa kế thì có thi hành án nữa không?

Quyết định cưỡng chế thi hành án có gửi cho UBND xã không?

Quyết định cưỡng chế thi hành án có gửi cho UBND xã không? Cho mình hỏi về việc thi hành án dân sự, quyết định cưỡng chế thi hành án có phải gửi cho UBND xã không hay chỉ cần gửi cho người phải thi hành án thôi. Cảm ơn.

Trả lời:

Khoản 16 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 có quy định như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

- Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

Như vậy quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho UBND xã nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Có được thỏa thuận tạm hoãn thi hành án dân sự không?

Có được thỏa thuận tạm hoãn thi hành án dân sự không? Cho mình hỏi, trường hợp hai bên người được thi hành án và người phải thi hành án thỏa thuận tạm hoãn thi hành án thì có được xem là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoãn không? Nhờ tư vấn.

Trả lời:

Khoản 21 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 có quy định:

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:

+ Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;

+ Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;

...

Theo quy định khi đương sự (bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án) đồng ý hoãn thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án. Cho nên có thể nói, khi hai bên đương sự thỏa thuận hoãn thi hành án thì sẽ được hoãn thi hành án (việc thỏa thuận đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên).

Người được thi hành án mà chết không có người thừa kế thì có thi hành án nữa không?

Người được thi hành án mà chết không có người thừa kế thì có thi hành án nữa không? Cho tôi hỏi trường hợp người được thi hành án chết mà lại sống một mình không có ai là người thừa kế thì việc thi hành án dân sự có được tiếp tục thực hiện hay không?

Trả lời:

Căn cứ vào Khoản 22 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định về các trường hợp đình chỉ vụ án như sau:

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây:

- Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;

- Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

- Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

- Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này;

- Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;

- Có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án;

- Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;

- Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên.

Như vậy, với trường hợp mà bạn hỏi, do người được thi hành án chết mà lại không có người thừa kế, do vậy theo quy định sẽ không thể tiếp tục thi hành án được. Nên Thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thi hành án dân sự

Nguyễn Đăng Huy

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào