Khiếm khuyết về ngoại hình thì có được dự thi viên chức? Viên chức là phụ nữ có phải biệt phái không?
Khiếm khuyết ngoại hình thì có được dự thi viên chức?
Khiếm khuyết ngoại hình thì có được dự thi viên chức? Em đã tốt nghiệp đại học sư phạm hóa học loại khá nhưng em lại bị khiếm khuyết dị dạng về thể hình thì có phải em không được tham gia dự tuyển viên chức? Bản thân em là người khiếm khuyết đã cố gắng lấy tấm bằng cử nhân rồi giờ không được chấp nhận ạ?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức 2010 quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển, cụ thể:
Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:
- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;
- Có đơn đăng ký dự tuyển;
- Có lý lịch rõ ràng;
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
- Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Như vậy, theo điều kiện chung khi dự tuyển viên chức không đề cập đến điều kiện ngoại hình của người dự tuyển. Tuy nhiên, bạn cần liên hệ với đơn vị dự tuyển vì có thể có những tiêu chuẩn riêng.
Viên chức là phụ nữ có phải biệt phái không?
Viên chức là phụ nữ có phải biệt phái không? Tôi tên Nguyễn Thị Thanh, ở Hà Nội, hiện đang làm tại Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tôi nghe đơn vị nói tháng sau phòng tôi có 2 người biệt phái qua một quận khác làm việc. Nhưng, tôi đang nuôi con 20 tháng tuổi. Trường hợp này tôi có phải biệt phái không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 7 Điều 36 Luật viên chức 2010 quy định như sau:
- Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.
- ...
Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Như vậy, do bạn đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên đơn vị sẽ không biệt phái bạn tham gia làm việc tại đơn vị khác.
Giáo viên có được làm phó giám đốc công ty?
Giáo viên có được làm phó giám đốc công ty? Cho mình hỏi chút, hiện mình đang là giáo viên trường công lập nhưng có một công ty đang muốn thuê mình làm phó giám đốc. Toàn bộ chế độ bảo hiểm hiện tại mình đang đóng theo nhà trường, vậy trong trường hợp này mình có được làm phó giám đốc công ty không? Mình không thành lập cũng không góp vốn, chỉ tham gia quản lý dưới quyền giám đốc thôi có được không bạn? Công ty này là công ty TNHH một thành viên.
Trả lời:
Giáo viên làm việc tại trường công lập được xác định là viên chức theo quy định tại Luật Viên chức 2010. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức 2010 thì viên chức:
Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Theo thông tin chị cung cấp, chị không tham gia thành lập công ty nhưng được mời làm phó giám đốc công ty TNHH một thành viên.
Việc xác định phạm vi tham gia quản lý, điều hành trong công ty TNHH một thành viên sẽ căn cứ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, cụ thể:
Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Quy định này đồng thời được tiếp tục áp dụng theo Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.
Quy định trên không xác định rõ Phó giám đốc có phải là người giữ chức vụ quản lý trong công ty hay không, do vậy sẽ phụ thuộc vào quy định tại Điều lệ công ty mà chị được mời làm Phó giám đốc. Nếu Điều lệ có nội dung quy định Phó giám đốc công ty là cá nhân giữ chức danh quản lý có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty thì khi là viên chức, chị không được đồng thời giữ chức vụ này tại công ty.
Ngược lại, Điều lệ không quy định đây là chức vụ quản lý mà chỉ là người lao động bình thường thì chị vừa có thể làm giáo viên vừa làm Phó giám đốc cho công ty trên mà không vi phạm quy định.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy