Trường hợp Giám đốc trong doanh nghiệp tư nhân làm người đại diện theo pháp luật được không?

Trường hợp Giám đốc trong doanh nghiệp tư nhân làm người đại diện theo pháp luật có được không? Một cá nhân được thành lập 02 doanh nghiệp tư nhân khác ngành nghề có được không? Chủ doanh nghiệp tư nhân có được đóng BHXH bắt buộc không?

Trường hợp Giám đốc trong doanh nghiệp tư nhân làm người đại diện theo pháp luật có được không?

Tôi muốn hỏi, khi tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân và có ký hợp đồng thuê giám đốc ngoài về doanh nghiệp làm thì có thể cho người đó làm người đại diện theo pháp luật có được không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quản lý doanh nghiệp tư nhân như sau:

- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, nguyên tắc Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật mặc dù bạn có thuê giám đốc về để làm cho doanh nghiệp, một trong những quy định được đặt ra là vì đặc trưng của loại hình doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Một cá nhân được thành lập 02 doanh nghiệp tư nhân khác ngành nghề có được không?

Em dự tính mở doanh nghiệp, loại hình tư nhân ngành giải trí (karaoke) và thêm đó là mở một doanh nghiệp tư nhân dịch vụ nhà hàng, ăn uống. Như vậy có được không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Như vậy, theo quy định trên mặc dù bạn có ý định mở 02 doanh nghiệp tư nhân khác ngành nghề. Tuy nhiên, sẽ không được thực hiện bởi mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Do đó, nếu bạn muốn hoạt động nhiều ngành nghề thì có thể bổ sung ngành nghề kinh doanh của mình, thậm chí là phát triển thông qua chi nhánh.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có được đóng BHXH bắt buộc không?

Cho hỏi: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chủ doanh nghiệp tư nhân có thuộc diện được đóng BHXH theo diện bắt buộc không? Hay phải đóng theo diện BHXH tự nguyện?

Trả lời:

Tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, có quy định về đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có:

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Và theo quy định tại Khoản 24 Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2020. Có quy định:

Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì chủ doanh nghiệp tư nhân có hưởng tiền lương từ quỹ lương của doanh nghiệp thì vẫn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Mức đóng BHXH của đối tượng này cũng dựa trên mức lương + phụ cấp hàng tháng thuộc diện đóng BHXH.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào