Thành viên ban quản lý rừng là viên chức? Chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quy định thế nào?
Thành viên ban quản lý rừng là viên chức?
Căn cứ Điều 4 Luật Viên chức 2010 quy định về hoạt động nghề nghiệp của viên chức như sau:
Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Mục 3, 4 Thông tư 86/2005/TT-BNV quy định về cơ chế tự chủ về chỉ tiêu biên chế như sau:
Căn cứ vào nguồn kinh phí của Nhà nước được cấp hàng năm về quản lý và bảo vệ rừng, dự án đầu tư phát triển rừng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn thu dịch vụ khác để đảm bảo khả năng tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, Giám đốc Ban Quản lý rừng được quyền tự chủ về chỉ tiêu biên chế hàng năm theo các mức sau:
3.1. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; được quyết định biên chế tăng hàng năm của mình.
3.2. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao kinh phí để thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công hoặc giao kinh phí bằng hình thức định mức chi theo khối lượng công việc; được quyết định biên chế tăng thêm của đơn vị mình phù hợp với nhiệm vụ và kinh phí tăng thêm hàng năm theo tỷ lệ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
3.3. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao kinh phí để thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công hoặc giao kinh phí bằng hình thức định mức chi theo khối lượng công việc: có trách nhiệm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt biên chế tăng thêm hàng năm phù hợp với nhiệm vụ và kinh phí tăng thêm hàng năm.
3.4. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp không có thu: có trách nhiệm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định biên chế tăng thêm hàng năm của đơn vị mình phù hợp với nhiệm vụ và kinh phí tăng thêm hàng năm theo tỷ lệ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định
4. Quản lý và sử dụng biên chế
4.1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với viên chức lãnh đạo Ban Quản lý rừng thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.
4.2. Việc tuyển dụng viên chức theo hình thức hợp đồng làm việc trong biên chế của Ban Quản lý rừng phải thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (Pháp lệnh cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung năm 2003, Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, Nghị định 112/2004/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và các văn bản khác hướng dẫn việc thực hiện các Nghị định nêu trên).
Như vậy, theo quy định hiện hành thì viên chức là người thực hiện nội dung thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập mà ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, tại Mục 4 quy định rõ việc tuyển dụng đối với ban quản lý rừng là viên chức. Do đó, thành viên ban quản lý rừng theo quy định là viên chức.
Chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quy định thế nào?
Chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được quy định tại Điều 8 Luật Viên chức như sau:
1. Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.
2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp
Theo đó, đối với từng nghề nghiệp cụ thể mà sẽ có chức danh nghề nghiệp.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi