Người làm chứng là người thân của bị hại có được không?

Em có bị người khác đánh dẫn tới phải nhập viện. Em quyết định sẽ tình báo công an nhưng chỉ có một người cháu của em là chứng kiến việc em bị đánh. Vậy cháu em là người thân thích thì có được làm người làm chứng không ạ? Việc lấy lời khai của người làm chứng được pháp luật quy định như thế nào?

Người thân của bị hại có được làm người làm chứng không?

Căn cứ Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định về người làm chứng như sau:

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

......

Như vậy , theo quy định như trên, pháp luật không có quy định về việc người thân thích của bị hại thì không được làm người làm chứng. Cho nên nếu cháu của bạn đáp ứng các điều kiện như trên thì được làm người làm chứng trong vụ việc của bạn.

Việc lấy lời khai của người làm chứng được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 186 Bộ luật này có quy định về lấy lời khai người làm chứng như sau:

1. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.

2. Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai.

3. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 66 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.

5. Trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Trân trọng!

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào