Quốc hiệu, tiêu ngữ là bắt buộc ở trong hợp đồng dân sự?

Quốc hiệu, tiêu ngữ là bắt buộc trong hợp đồng dân sự? Không có hợp đồng mua bán có được khởi kiện đòi công nợ? Căn cứ để chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ?

Quốc hiệu, tiêu ngữ là bắt buộc trong hợp đồng dân sự? 

Tôi muốn hỏi: Hợp đồng dân sự phải có quốc hiệu, tiêu ngữ đúng không? Cảm ơn.

Quốc hiệu, tiêu ngữ là một trong những thành phần chính của văn bản hành chính theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 30/2020/NĐ-CP.

Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 Quy định:

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Và theo Điều 117 Bộ luật này thì:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Như vậy, đối với hợp đồng dân sự không bắt buộc phải có quốc hiệu, tiêu ngữ.

Không có hợp đồng mua bán có được khởi kiện đòi công nợ?

Công ty em có buôn bán, giao hàng cho công ty cổ phần về các mặt hàng rau, hàng tháng đều có xuất hóa đơn GTGT đầy đủ. Hiện tại công nợ khoảng hơn 100 triệu nhưng họ báo là không có khả năng chi trả. Chỉ trả được 30% khi bên em phải ký vào tờ cam kết. Vậy bên công ty em có khởi kiện được không ạ? Hợp đồng mua bán do chỗ quen biết nên không có lập. Mong luật sư tư vấn giúp ạ.

Theo thông tin chị cung cấp thì giữa công ty chị và công ty đối tác có phát sinh hợp đồng mua bán các mặt hàng rau, tuy nhiên hai bên không có hợp đồng mua bán.

Căn cứ quy định tại Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 440 Bộ luật này thì:

- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

- Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

- Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.

Theo quy định này, trong trường hợp hai bên có phát sinh giao dịch mua bán nhưng bên mua không thực hiện nghĩa vụ trả tiền là đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Do vậy, công ty chị là bên bán có quyền khởi khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Lưu ý: Khi nộp hồ sơ khởi kiện, công ty chị cần nộp kèm theo các chứng cứ chứng minh cho giao dịch mua bán của hai bên như hóa đơn, chứng từ chứng minh việc giao hàng,...mặc dù không có hợp đồng mua bán nhưng có các tài liệu, giấy tờ khác chứng minh cho hoạt động mua bán của hai bên thì vẫn có thể làm cơ sở để giải quyết đòi quyền lợi cho công ty chị.

Căn cứ để chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ

Cho tôi hỏi: Những căn cứ để chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ là gì? Cảm ơn.

Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Và theo Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng đã được hoàn thành;

2. Theo thỏa thuận của các bên;

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;

6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;

7. Trường hợp khác do luật quy định.

Như vậy, bản chất của hợp đồng cung cấp dịch vụ cũng là hợp đồng dân sự, do đó căn cứ chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ cũng sẽ bao gồm các trường hợp nêu trên.

 

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng dân sự

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào