Quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm? NLĐ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi có phải làm thêm giờ không?

Vui lòng cung cấp cho tôi những vướng mắc pháp lý sau: Quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm? Có được cho công nhân làm thêm đến 40h/tháng? NLĐ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi có phải làm thêm giờ không?

Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

Mình quan tâm đến vấn đề tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm từ 1/1/2020. Cho mình hỏi: Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được quy định thế nào theo Bộ luật Lao động 2019?

Trả lời:Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, như sau:

- Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

+ Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

- Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

- Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Có được cho công nhân làm thêm đến 40h/tháng không?

Bên mình là doanh nghiệp may mặc, khoảng hơn 2 tháng nữa do nhu cầu sản xuất phục vụ giai đoạn gần Tết thì bên mình có được cho công nhân làm thêm đến 40h/tháng không?

Trả lời: Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2019 quy định Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Được sự đồng ý của người lao động;

- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Như vậy, theo quy định trên thì hiện nay số giờ làm thêm không quá không quá 30 giờ trong 01 tháng. Do đó doanh nghiệp bạn không thể cho cho công nhân làm thêm đến 40h/tháng được.

Tuy nhiên, từ năm 2021 khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được (Điều 107).

NLĐ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi có phải làm thêm giờ không?

Mình là công nhân nữ, đang nuôi con 7 tháng tuổi. Do cuối năm nên công ty mình có triển khai làm thêm giờ để kịp đơn hàng tết. Vậy mình có phải ở lại làm thêm giờ không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật lao động 2019 khi người sử dụng lao động làm thêm giờ phải đáp ứng đủ các điều kiện trong đó, phải được sự đồng ý của người lao động.

Và tại Khoản 1 Điều 137 Bộ luật này quy định trường hợp người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

- Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

- Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Căn cứ quy định trên, thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, trừ trường hợp người lao động này đồng ý.

Do đó, nếu bạn không có mong muốn làm thêm giờ thì công ty không được phép sử dụng bạn làm thêm giờ.

Trân trọng.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Làm thêm giờ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào