Nguyên tắc bố trí nhà ở công vụ và nội thất nhà ở công vụ theo quy định mới là thế nào?
Nguyên tắc bố trí nhà ở công vụ
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Quyết định 03/2022/QĐ-TTg (Có hiệu lực từ 15/04/2022) quy định về nguyên tắc bố trí nhà ở công vụ như sau:
a) Bố trí nhà ở công vụ đảm bảo đúng đối tượng, đủ điều kiện theo tiêu chuẩn nhà ở công vụ quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Đối với các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, bố trí nhà ở công vụ đảm bảo điều kiện công tác và yêu cầu an ninh, bảo vệ theo quy định;
c) Đối với nhà ở công vụ thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Việt Nam (do Văn phòng Trung ương Đảng quản lý) thì thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng;
d) Trường hợp một người đồng thời đảm nhận nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ thì được áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ theo chức danh cao nhất;
đ) Trường hợp do không đủ loại nhà ở công vụ để bố trí theo tiêu chuẩn, căn cứ vào quỹ nhà ở công vụ hiện có cơ quan quản lý nhà ở công vụ xem xét việc bố trí cho thuê cho phù hợp; người thuê nhà ở công vụ phải trả tiền thuê (bằng giá thuê được quy định tại Điều 33 của Luật Nhà ở năm 2014 nhân (x) với diện tích sử dụng được ghi trong Hợp đồng thuê nhà ở công vụ), kể cả khi diện tích sử dụng thực tế nhà ở công vụ vượt quá tiêu chuẩn hoặc thấp hơn tiêu chuẩn quy định;
e) Thời hạn cho thuê nhà ở công vụ theo thời gian đảm nhận chức vụ mà người thuê được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, đảm bảo điều kiện thuê nhà ở công vụ theo quy định pháp luật về nhà ở.
Nguyên tắc trang bị nội thất nhà ở công vụ
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định 03/2022/QĐ-TTg (Có hiệu lực từ 15/04/2022) quy định về nguyên tắc trang bị nội thất nhà ở công vụ như sau:
a) Kinh phí cho việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và các trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;
b) Trang bị nội thất gắn với nhà ở công vụ đã được tính vào chi phí đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, bao gồm: Hệ thống máy điều hòa nhiệt độ; tủ bếp đồng bộ (bao gồm tủ bếp, chậu, vòi rửa, bếp, máy hút mùi); bình nóng lạnh; thiết bị vệ sinh đồng bộ;
c) Trang bị nội thất dời không gắn với nhà ở công vụ quy định mức kinh phí tối đa tại Quyết định này bao gồm: Bộ bàn ghế phòng khách, kệ ti vi; bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh; tủ quần áo, giường, đệm, bộ bàn ghế làm việc; máy giặt;
d) Việc lựa chọn trang thiết bị nội thất phải phù hợp với công năng, diện tích, không gian của từng phòng trong nhà ở công vụ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo quy định; đối với nhà (căn hộ) khi mua đã có trang thiết bị nội thất thì không được trang bị thay thế mà chỉ được trang bị bổ sung những trang thiết bị còn thiếu hoặc chưa đồng bộ theo thiết kế phù hợp với quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
đ) Việc trang bị nội thất phải lập kế hoạch, dự toán ngân sách đầu tư, mua sắm trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ, thực hiện dự toán và thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả;
e) Khi giá trang thiết bị nội thất dời của nhà ở công vụ trên thị trường có biến động (tăng trên 20%) so với định mức kinh phí tối đa quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quyết định này thì việc điều chỉnh định mức kinh phí được thực hiện như sau:
- Đối với việc đầu tư trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an): Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Đối với việc đầu tư trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Đối với việc đầu tư trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của địa phương, cơ quan quản lý nhà ở công vụ của địa phương thống nhất với Sở Xây dựng, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi